BVR&MT – Từ ngàn năm nay, Hà Nội luôn nổi tiếng là thành phố được bao bọc bởi các dòng sông thơ mộng, nhưng cùng với sự phát triển không ngừng của đô thị. Các dòng sông trong nội đô Hà Nội giờ chỉ còn chức năng duy nhất: chứa đựng nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, nước thải đô thị, công nghiệp.
Tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước, đặc biệt là tại thành phố lớn như Hà Nội, nơi có dân cư đông đúc và nhiều khu công nghiệp lớn. Hầu hết sông hồ ở các thành phố này đều bị ô nhiễm bởi chất thải từ khu dân cư và các khu công nghiệp. Phần lớn lượng nước thải đều không được xử lý tại một đến một nhà máy xử lý nước thải chung, mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội đô, mỗi ngày xả thẳng ra hệ thống sông hồ vào khoảng 650.000 m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động với tổng công suất chỉ trên 206.000 m3/ngày/đêm. Do vậy gần phần lớn lượng nước thải ở khu vực nội đô vẫn chưa được xử lý triệt để. Vì thế, phần lớn đều tiêu thoát qua hệ thống cống và các con sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, Nhuệ.
Mặc dù TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm cho các dòng sông trong nội đô nhưng “đâu vẫn hoàn đó” vì lượng nước thải chưa được xử lý triệt để vẫn trực tiếp đổ ra sông. Mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Các dòng sông đang từng ngày trở thành “dòng sông chết”. Những hộ dân sống hai bên bờ hàng ngày vẫn phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ những dòng “sông đen” này, đặc biệt là vào những ngày hè oi bức hoặc sau trận mưa rào. Tình trạng nước thải đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh trên sông là chuyện thường ngày.
Đơn cử như dòng sông Nhuệ đã hứng toàn bộ nguồn nước thải của các hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp hầu như chưa qua xử lý ở hai bên bờ sông cộng với nước thải sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp,… của toàn thành phố Hà Nội đổ vào, khiến sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng nề. Theo một số báo cáo về chất lượng nước sông Nhuệ như Báo cáo của Tổng cục môi trường (năm 2010) cho thấy các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và ô nhiễm vi sinh đều cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép (QCVN 8/2008 loại B1- Loại nước cấp cho nông nghiệp). Hàm lượng COD có chỗ cao gấp 4,5 lần tiêu chuẩn B1, hàm lượng amoni có nơi cao gấp chục lần tiêu chuẩn B1 còn hàm lượng coliform có nơi cao gấp 20 lần tiêu chuẩn B1, do đó không đủ điều kiện cấp nước cho nông nghiệp.
Không riêng sông Nhuệ, những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn chảy qua hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, nhiều năm phải “chống chọi” với cảnh ô nhiễm của dòng sông. Qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng hiện dòng sông này vẫn ô nhiễm nặng nề: nước sông càng lúc càng cạn, màu nước càng ngày càng đen và bốc mùi hôi thối nặng. Thậm chí dòng sông hiện nay trông chẳng khác nào một hồ chứa nước thải mà chẳng còn loài sinh vật nào có thể sống được. mỗi ngày từ các cống vẫn có hàng ngàn m3 nước thải xả thẳng xuống dòng sông mà không hề qua xử lý. Dòng sông này từ lâu đã thực sự là nỗi kinh hoàng của các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ.
Cũng theo cảnh báo của một số chuyên gia môi trường thì nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra sông hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cộng đồng người dân. Đặc biệt đáng lo ngại là hiện nhiều khu vực ở Hà Nội nước ngầm bị nhiễm các độc tố chính như măng gan, sắt, asen và amoni… Riêng độc tố amoni, khi đi vào cơ thể người sẽ làm thay đổi hồng cầu, gây ra một số bệnh nan y.
Hệ lụy từ việc sử dụng sai mục đích, xả rác thải bừa bãi vô ý thức và không kiểm soát chặt chẽ là nguồn phát sinh các dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, ung thư… Sông, hồ không chỉ tạo môi trường xanh, sạch mà còn tạo nên cảnh quan thiên nhiên cho thành phố, nhưng dường như do ý thức kém của một bộ phận người dân đã gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng, mất mỹ quan thành phố và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Đông Nghi