Truyền thông lan tỏa mô hình mới thích ứng với BĐKH

BVR&MT – Vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc cung cấp thông điệp nhất quán về tầm nhìn của Nghị quyết 120/NQ-CP và Chương trình hành động từ Trung ương đến địa phương đến các cấp cơ sở và người dân địa phương. Bên cạnh đó, truyền thông sẽ giúp lan tỏa các giải pháp, mô hình hay, cách làm mới trong thích ứng với BĐKH.

Ảnh: VGP/Thu Cúc

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, chiều 17/6 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì Hội thảo truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL. Hội thảo nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với những tác động BĐKH lên ĐBSCL, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về quản lý đồng bằng thích ứng với BĐKH và đưa ra những định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho phát triển ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, BĐKH đang là thách thức toàn cầu và lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với BĐKH của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, chủ đề về tài nguyên và môi trường nói chung và thích ứng BĐKH nói riêng luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền; đồng thời, các cơ quan truyền thông cũng đã ưu tiên thời lượng, dung lượng đăng phát, đổi mới phương thức truyền thông; qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho rằng, truyền thông về BĐKH đang gặp phải các khó khăn, hạn chế, như việc hiểu về các vấn đề của BĐKH chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, thu hút người dân; dung lượng, thời lượng, nội dung truyền thông về BĐKH chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về BĐKH chưa cao; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí chia sẻ với các nhà báo về các nội dung: Thuận thiên để thích ứng, biến “nguy” thành “cơ” (Nhà báo Lê Quốc Hưng – Giám đốc cơ quan thường trú VOV tại ĐBSCL); Chia sẻ, mong đợi từ truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL (GS.TS Mai Trọng Nhuận); Vai trò trách nhiệm của báo chí với BĐKH ở ĐBSCL: Phát triển Mekong xanh (Nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TPHCM); Thích ứng với các vấn đề về nước và khí hậu tại các nước đồng bằng (ông Robbert Moree, Điều phối viên chương trình Đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước, Hà Lan); Định hướng hỗ trợ của các đối tác phát triển cho ĐBSCL (bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)…

Bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP và thực hiện Chương trình hành động tổng thể. Trong thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh nguồn nước, đường thủy nội địa, cải thiện tính kết nối liên vùng tại ĐBSCL.

Theo bà Madhu Raghunath, vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc cung cấp thông điệp nhất quán về tầm nhìn của Nghị quyết 120/NQ-CP và Chương trình hành động từ Trung ương đến địa phương đến các cấp cơ sở và người dân địa phương. Bên cạnh đó, truyền thông sẽ giúp lan tỏa các giải pháp, mô hình hay, cách làm mới trong thích ứng với BĐKH, từ đó nâng cao hiểu biết của người dân, giúp người dân tìm kiếm mô hình phù hợp và mở ra cơ hội mới phát triển sinh kế.