BVR&MT – Nghiên cứu đầu tiên nhằm ước tính mức độ con người tiêu thụ ô nhiễm nhựa vừa được công bố trên Tạp chí Environmental Science and Technology cho thấy ít nhất một người tiêu thụ trung bình 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một lượng tương tự.
Nghiên cứu mới này lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó để đo lượng hạt vi mô trong cá, giáp xác, đường, muối, bia và nước, cũng như trong không khí ở các thành phố.
Sau đó, các nhà khoa học sử dụng cẩm nang ăn uống của chính phủ Hoa Kỳ để tính toán số lượng con người sẽ ăn trong một năm. Người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và trẻ em khoảng 40.000 hạt.
Tuy nhiên, con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều lần vì chỉ một số lượng nhỏ thực phẩm và đồ uống được phân tích về ô nhiễm nhựa.
Các nhà khoa học phát hiện rằng uống nhiều nước đóng chai làm tăng mạnh lượng hạt nhựa tiêu thụ vào cơ thể.
Tác động sức khỏe của việc tiêu thụ vi nhựa vẫn chưa được biết nhưng chúng có thể giải phóng các chất độc. Một số mảnh đủ nhỏ để thâm nhập vào mô trong cơ thể người, nơi chúng có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch.
Ô nhiễm vi nhựa chủ yếu được tạo ra từ sự tan rã của rác thải nhựa và dường như có mặt khắp hành tinh. Các nhà nghiên cứu tìm thấy vi nhựa ở mọi nơi: trong không khí, mặt đất, các con sông và thậm chí những đại dương sâu nhất trên thế giới.
Vi nhựa cũng được phát hiện trong nước máy và nước đóng chai, hải sản, bia, và lần đầu tiên được tìm thấy trong các mẫu phân người vào tháng 10/2018, xác nhận rằng con người đang tiêu hóa các hạt nhựa.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống chưa được thử nghiệm, có nghĩa là nghiên cứu chỉ đánh giá 15% lượng calo ăn vào.
“Chúng tôi còn nhiều điều không biết. Có một số lỗ hổng dữ liệu lớn cần được lấp đầy”, Kieran Cox thuộc Đại học Victoria, Canada kiêm phụ trách nghiên cứu cho biết.
Các thực phẩm khác như bánh mì, các sản phẩm chế biến sẵn, thịt, sữa và rau cũng có thể chứa nhiều nhựa.
“Nhiều khả năng có một lượng lớn các hạt nhựa trong đó. Bạn có thể ăn vào hàng trăm nghìn hạt”.
Một số dữ liệu có sẵn tốt nhất là với nước, trong đó nước đóng chai chứa lượng vi nhựa gấp 22 lần nước máy. Một người chỉ uống nước đóng chai sẽ tiêu thụ 130.000 hạt mỗi năm so với 4.000 hạt nếu uống nước máy.
Các nhà khoa học không biết điều gì xảy ra khi hít phải vi nhựa nhưng theo nghiên cứu mới thì “hầu hết các hạt hít vào sẽ được tiêu hóa” vào thay vì ho hay hắt hơi ra ngoài.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính rằng lượng vi nhựa đọng trong bữa ăn hàng ngày có thể tăng thêm hàng chục nghìn hạt vào lượng tiêu thụ hàng năm.
Cox hiểu rõ là chưa có ảnh hưởng sức khỏe nào được biết đến nhưng các hạt ăn vào là “một rủi ro phơi nhiễm cao về mặt số lượng, chắc chắn là một tiếng kêu báo động tiềm tàng”.
Stephanie Wright thuộc trường King’s College London, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Những ước tính hiện tại cho thấy phơi nhiễm vi nhựa tương đối thấp so với các hạt khác.
Ví dụ, người ta ước tính rằng chế độ ăn uống phương Tây khiến người tiêu dùng phơi nhiễm với hàng tỷ vi hạt titan dioxide (TiO2) – một chất phụ gia phổ biến được dùng thuờng ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa biết được mức độ phơi nhiễm vi nhựa tương đối thấp có ý nghĩa thế nào đối với sức khỏe”.
Các cố vấn trưởng về khoa học của Ủy ban châu Âu cho biết trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng “bằng chứng [về các rủi ro về môi trường và sức khỏe của vi nhựa] cho thấy cần quan tâm và phòng ngừa thực sự”.
Họ kết luận: “Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học về các mối nguy hiểm của ô nhiễm vi nhựa không được kiểm soát, kết hợp với đặc tính bền bỉ và không thể đảo ngược của nó, cho thấy nên áp dụng các biện pháp hợp lý để ngăn chặn việc phát tán vi nhựa”.
Cox cho biết nghiên cứu đã thay đổi hành vi của chính mình.
“Chắc chắn tôi tránh xa bao bì nhựa và cố gắng uống càng ít nước đóng chai càng tốt”.
“Việc từ bỏ nhựa sử dụng một lần và hỗ trợ các công ty không dùng bao bì nhựa sẽ có tác động không hề nhỏ. Sự thật rất đơn giản. Chúng ta đang sản xuất rất nhiều nhựa và tất cả lại đổ vào các hệ sinh thái mà chúng ta là một phần trong đó”, theo lời Cox.
Nhật Anh (Theo The Guardian)