BVR&MT – Trao đổi với phóng viên tối 07/6, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, hiện dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 1.207 hộ chăn nuôi, 317 thôn, 71 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố.
Trao đổi với phóng viên tối 07/6, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, hiện dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 1.207 hộ chăn nuôi, 317 thôn, 71 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố.
Cụ thể, huyện Phú Vang: 18 xã, tiêu hủy 1.720 con; thị xã Hương Thủy: 12 xã, tiêu hủy 873 con; huyện Quảng Điền: 8 xã, tiêu hủy 776 con; thị xã Hương Trà: 10 xã, tiêu hủy 300 con; huyện Phong Điền: 6 xã, tiêu hủy 558 con; thành phố Huế: 5 phường, tiêu hủy 64 con; huyện Phú Lộc: 10 xã, tiêu hủy 419 con; huyện A Lưới: 2 xã, tiêu hủy 23 con.
Các xã Phú Sơn (7 ngày), Dương Hòa (8 ngày), Thủy Bằng (12 ngày), thị xã Hương Thủy; Phú Thuận (9 ngày), huyện Phú Vang không xuất hiện ca bệnh mới.
Các địa phương đang gửi mẫu xét nghiệm gồm phường Thủy Xuân, Thuận Hòa (Huế); xã Lộc Bình, Xuân Lộc (huyện Phú Lộc).
“Ở các vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3 km quanh ổ dịch) đã tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên và thực hiện 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; tại vùng đệm (phạm vi 10 km quanh ổ dịch) tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng chỉ đạo đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ nuôi trong khu vực…”, ông Hồ Vang thông tin.
Dẫn nguồn tin từ ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người và trên địa bàn còn hơn 150.000 con lợn khỏe mạnh, được chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, kiểm tra lâm sàng, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi lưu thông trên thị trường. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn.
Tuy nhiên, cần nấu chín thịt trước khi ăn, không tới tham quan quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y.
Hiện tỉnh đã hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy 25.000 đồng/kg đối với lợn thịt, các loại lợn khác, 43.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái và lợn đực giống đang khai thác theo Quyết định 1253/QĐ-UBND ngày 24/5/2019. Ngoài ra, trường hợp giá thịt lợn hơi trên thị trường biến động cao hoặc thấp hơn 15% mức giá hiện tại (31.000 đồng/kg), ủy quyền cho Sở Tài chính tính toán, thông báo mức hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức giá hỗ trợ: lợn thịt, lợn con các loại sẽ hỗ trợ 80% giá thịt lợn hơi trên thị trường; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,7 lần so với hỗ trợ các loại lợn khác.
Các cấp, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch: phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện 5 KHÔNG; cấp 30.029 lít hóa chất, hơn 250 tấn vôi; lập 63 điểm chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.