BVR&MT – Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương.
Lâu nay, tình trạng Trái Đất ấm lên được xác định là nguyên nhân chính làm tan chảy các dòng sông băng, qua đó khiến mực nước biển ngày càng dâng cao.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương, thậm chí với tộc độ nhanh hơn tình trạng biến đổi khí hậu.
Giáo sư Shin-Chan Han, thuộc Đại học Newcastle phát hiện ra rằng mực nước biển tại Samoa thuộc Mỹ đã dâng cao gấp 5 lần mức trung bình toàn thế giới do hiện tượng sụt lún đất trên bề mặt Trái Đất – hậu quả sau các trận động đất ở Samoa-Tonga năm 2009.
Giáo sư cảnh báo với các quốc đảo Thái Bình Dương rằng hiện tượng này còn nguy hiểm hơn so với tình trạng biến đổi khí hậu.
Căn cứ những hình ảnh và dữ liệu thu thập từ vệ tinh, giáo sư Han chỉ ra trong 8 năm sau trận động đất nói trên, đất tại đảo Samoa thuộc Mỹ sụt lụt khoảng 16mm/năm, so với mức 8-10mm/năm được ghi nhân trên toàn quần đảo cùng tên.
Ông kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương đánh giá lại dự báo về mực nước biển dâng do ảnh hưởng của các trận động đất lớn với cường độ trên 8 bởi những trận động đất có cường độ lớn như vậy có khả năng làm biến dạng vỏ Trái đất.
Giáo sư Han kết luận sự vận động địa chất có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ nước biển dâng cao và cần được xem xét bên cạnh nhưng thay đổi do biến đổi khí hậu.