BVR&MT – Chiều 29/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là Chương trình 526).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sau 01 năm triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Ý thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được nâng lên. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất, cung ứng nông sản an toàn theo chuỗi. Việc ngăn chặn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và các chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực…
Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”…
Báo cáo chung về kết quả 01 năm thực hiện Chương trình phối hợp, triển khai kế hoạch năm 2019, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Mặc dù mới là năm đầu tiên triển khai Chương trình nhưng các nội dung được triển khai trong thời gian qua đã được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa đến các địa phương trong cả nước, người sản xuất kinh doanh thực phẩm đã tác động mạnh đến nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm, đồng hành chung tay sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ngoài những kết quả tích cực đã đạt được thì còn có những khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhận thức của nông dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế, quen cách thức sản xuất cũ. Nhiều đơn vị, cá nhân vì lợi ích, lợi nhuận trước mắt nên còn sản xuất, kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo. Tình trạng mua, bán sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm còn xảy ra. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nông dân chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ nên khó kiểm tra, giám sát. Việc đầu tư xây dựng và phát triển những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, liên kết sản xuất chưa nhiều.
Với chủ đề “Tuyên truyền vận động nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020”, bà Phùng Thị Lan, đại diện Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình trình bày bài tham luận nêu rõ: sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn, lâu dài bền vững phù hợp, góp phần hạn chế về biến đổi khí hậu, quá trình sản xuất hữu cơ có lợi cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, sản phẩm tạo ra bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm sạch có lợi cho cộng đồng. Củng cố được các chu kỳ sinh học bảo vệ môi trường trong sạch, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, cân bằng hệ sinh thái động thực vật, tăng thu nhập cao cho người sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Các sản phẩm hữu cơ hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, tạo ra cho mọi người yên tâm sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cải tạo được độ phì của đất, bảo vệ môi trường và giữ được môi trường bền vững xanh sạch đẹp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến, chỉ sau 01 năm triển khai, Chương trình 526 đã đem lại hiệu ứng rất lớn, từ nhận thức đi vào hành động đã có sự chuyển biến thực tiễn rõ nét, hiệu quả. Lực lượng nông dân, phụ nữ là rường cột trong việc thực hiện chương trình, đóng góp quan trọng vào nâng cao chuyển biến trong nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng, Chương trình 526 cần tiến xa hơn nữa. Năm 2018, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, nên nếu chỉ dừng lại các mục tiêu của chương trình là chưa đủ. Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Các cấp hội đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản sạch. Những trường hợp còn vi phạm, chưa nghiêm túc sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm phải được cảnh báo, xử phạt nghiêm.
Thạch Thảo