BVR&MT – Rùa Hoàng gia (Batagur affinis) là một trong 25 loài rùa nguy cấp nhất trên thế giới và có tên trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Ouk Vibol, Giám đốc Cục Bảo tồn Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản Campuchia (FiA) cho biết loài này chỉ tồn tại ở một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam với số lượng toàn cầu chỉ còn khoảng 500 đến 700 cá thể, bao gồm cả 450 cá thể ở Campuchia.
Loài bò sát này được cho là đã tuyệt chủng ở Campuchia cho đến năm 2000 khi một nhóm chuyên gia của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và FiA tái phát hiện chúng trong hệ thống sông Sre Ambel, ở phía tây tỉnh Koh Kong.
Cùng năm đó, WCS tiếp tục khởi xướng dự án bảo vệ loài có nguy cơ tuyệt chủng này, và năm 2002, WCS Campuchia phối hợp FiA bắt đầu chương trình bảo vệ tổ, lôi kéo những người thu gom trứng tham gia dự án để tạo thêm thu nhập cho họ, hạn chế tình trạng trứng rùa bị đem bán.
Kết quả là “chúng tôi có 436 cá thể rùa, trong đó 249 cá thể ở Trung tâm bảo tồn bò sát Koh Kong (KKRCC) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Angkor (ACCB), trong khi 187 cá thể khác – được trang bị máy phát sóng để theo dõi chỗ ở và việc di chuyển nhằm bảo vệ chúng – đã được thả về tự nhiên”, Vibol nhấn mạnh.
“Hầu hết loài rùa này tồn tại dọc theo hệ thống sông Sre Ambel (chủ yếu ở huyện Sre Ambel, tỉnh Koh Kong) và một số cá thể ở tỉnh Preah Sihanouk cũng như sông Chiphat. Đó là lý do chúng được coi là loài địa phương, chỉ có thể sống sót trong khu vực của mình, dễ bị đe dọa khi sinh cảnh bị phá hủy. Mặc dù dự án bảo vệ tổ đã thành công nhưng những mối đe dọa lớn tới sinh cảnh của rùa như khai thác cát, khai thác gỗ ven sông và đánh bắt cá bất hợp pháp v.v. vẫn còn đó, và nếu những mối đe dọa này tiếp diễn, rùa Hoàng gia sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần”.
Som Sitha, Cố vấn kỹ thuật cảnh quan của WCS Campuchia cũng nhấn mạnh rằng 9/14 loài bản địa được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia bảo vệ. Rùa hoàng gia là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất vì sinh cảnh chỉ hạn chế trong một hệ thống sông trong khi các loài khác cũng trong tình trạng rất nguy cấp như rùa ba gờ (Malayemys Subrijuga).
“Từ năm 2007, khai thác cát là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm sinh cảnh của rùa cũng như hủy hoại môi trường sống của người dân địa phương. Khai thác gỗ bất hợp pháp để cung cấp cho nhu cầu địa phương và quốc tế cũng là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm mạnh của loài này. Thông tư và tuyên bố ban hành ngày 10/7/2017 của Bộ Mỏ và Năng lượng (MME) dừng tất cả các hoạt động nạo vét cát trong hệ thống sông Sre Ambel ở tỉnh Koh Kong đã dẫn đến việc hồi phục các bãi làm tổ dọc theo sông”.
Giám đốc quốc gia của ACCB Michael Meyerhoff cũng bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa đối với loài này và giải thích rằng “một vấn đề lớn là nhiều loài rùa cần thời gian dài để trưởng thành, vì thế, chúng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi môi trường nhanh chóng”.
“Rùa Hoàng gia cần ít nhất 12 năm để trưởng thành và có thể sinh sản nhưng có một số cá thể bị nuôi nhốt ở các quốc gia khác không sinh sản mặc dù chúng đã 25 tuổi”.
“Tôi tin rằng vẫn chưa có nhiều người dân địa phương biết về Rùa Hoàng gia. Tôi hy vọng với sự tham gia của mọi người dân Campuchia, chính quyền, nhà bảo tồn cũng như các chuyên gia, chúng ta sẽ bảo tồn được loài này và quần thể sẽ còn phát triển hơn nữa”.
Rùa hoàng gia được coi là loài bò sát quốc gia của Campuchia theo nghị định của hoàng gia vào ngày 21/3/2005. Khác với các loại rùa khác, chúng có thể sống cả ở nước ngọt và biển. Mắt chúng màu trắng, mũi thẳng, mai dài 60 cm có màu đen hoặc xám và chỉ có bốn ngón chân trong khi rùa nói chung có năm ngón chân như con người.
Nhật Anh (Theo AKP)