Bớt tham sân si để cứu môi trường

BVR&MT – Chia sẻ tại Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” do Tổng cục Môi trường phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sáng 22/5/2019 nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Thượng tọa Thích Minh Quang – Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh chính lòng tham sân si của con người đã hủy hoại môi trường và muốn cứu môi trường, nên làm theo lời răn của Đức Phật, trong đó trước tiên là cần gạt bỏ bớt tham sân si.

Thượng tọa Thích Minh Quang – Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.

Thượng tọa khẳng định chính lòng tham vô độ, vị kỷ, hẹp hòi mà con người khai thác thiên nhiên vô tội vạ. Điều đáng buồn hơn là trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới coi trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên thì người Việt Nam lại khá thờ ơ, đặc biệt là giới trẻ, thậm chí một số bộ phận còn dùng sức mạnh và uy quyền để làm tổn hại môi trường. Việt Nam sở hữu môi trường thiên nhiên tuyệt vời mà các quốc gia khác không có nhưng chúng ta lại không biết gìn giữ.

Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Quang, sở dĩ Đức Phật được cả thế giới tôn vinh bởi cách đây 26 thế kỷ, Ngài đã hướng tới lối sống giản dị, hòa hợp với thiên nhiên, tích cực trồng cây. Ngoài ra, Đạo Phật cũng chủ trương hạn chế sát sinh; tăng cường phóng sinh (phóng sinh phải xuất phát từ tâm để tăng phúc, bảo vệ môi trường chứ không phải chạy theo phong trào, thói quen hay thương mại hóa); hạn chế đốt vàng mã; hạn chế đốt hương trong văn hóa lễ chùa.

Được biết, từ tháng 5/2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp trong lĩnh vực thả giống phóng sinh nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, hai bên cùng tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, tín đồ phật tử, người dân ký cam kết không khai thác, buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời tích cực phóng sinh theo đúng quy trình kỹ thuật những giống thủy sản bản địa, quý hiếm, hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.

 
Thầy Minh Phúc, Chánh văn phòng Ban trị sự phật giáo Ninh Bình nhấn mạnh con người thường tự cho rằng mình có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của vũ trụ nên đã có những can thiệp khá thô bạo, đứng trên tự nhiên, gieo rắc sát sinh, săn bắn, hủy diệt… Tuy nhiên, theo triết lý Đạo Phật, con người và vũ trụ tương tác bình đẳng, cần hài hòa và tôn trọng nhau.

Thời gian tới, Giáo hội cũng sẽ phối hợp với các đơn vị lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong các khóa tu được tổ chức trên địa bàn.

Thượng tọa Thích Minh Quang kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại và hậu quả mà con người gây ra đối với môi trường, đồng thời tăng cường chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, đặc biệt cần thực hiện theo đúng lời răn của Đức Phật để tâm tịnh – thế giới tịnh, tâm an – thế giới an, tâm bình – thế giới bình.

Tham dự Hội thảo, đại diện Tổng cục Môi trường cho hay hiện Tổng cục cũng đang tham vấn sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 11/2020, và sửa Luật Đa dạng sinh học nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, chế tài để bảo vệ môi trường, thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Một góc Vân Long
Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” là sự kiện kế tiếp ngay sau Lễ kỉ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2019 và trao bằng công nhận Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

PV