BVR&MT – Tiếp nối hai diễn đàn đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh và Hà Nội, Diễn đàn Đối tác về bảo tồn đa dạng sinh học lần 3 được tổ chức tại Tuần Châu, Hạ Long, Quảng Ninh từ ngày 22 – 23/5/2019 với chủ đề “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện 45 cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế bao gồm bộ, ngành, địa phương; trường đại học; viện nghiên cứu; các đối tác phát triển như UNESCO, UNDP…; các tổ chức quốc tế như Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN, JICA, GIZ…; các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Mục tiêu Diễn đàn năm nay nhằm cập nhật kết quả Hội nghị các bên tham gia các Công ước và chia sẻ thông tin về hoạt động quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học giữa các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực, đồng thời trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy liên kết về bảo tồn đa dạng sinh học.
Thông cáo từ Bộ TN&MT cho hay Báo cáo đánh giá dich vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019 cảnh báo 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất đã có sự thay đổi, 60% đại dương bị các tác động tích lũy đe doạ đến sự tồn tại của các loài sinh vật, 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi, suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các hệ sinh thái cạn, khoảng từ hơn 200 đến hơn 500 tỷ đô la từ sản lượng cây trồng toàn cầu hàng năm đối mặt với rủi ro cao do mất nguồn hỗ trợ cho thụ phấn. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã tăng 10 lần kề từ năm 1980, ảnh hưởng đến ít nhất 267 loài bao gồm 86% rùa biển, 44% chim biển và 43% động vật biển có vú, điều này ảnh hưởng đến con người thông qua chuỗi thức ăn. Các loài ngoại lai đã tăng 40% kề từ năm 1980, gần 1/9 bề mặt trái đất bị ảnh hưởng do sự xâm hại của động, thực vật ngoại lai, tác động loài bản địa, chức năng hệ sinh thái và đóng góp của tự nhiên cho con người. Sự xuất hiện các loài ngoại lai mới dường như cao hơn bao giờ hết và không có dấu hiệu chậm lại. |
PV