Gỡ nút thắt, nhân rộng rừng trồng FSC ở Quảng Trị

BVR&MT – Ngày 20/5, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai nhân rộng mô hình rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC) trên địa bàn toàn tỉnh. Quảng Trị quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam.

Xem thêm: Phát động cuộc thi: Viết về “Bảo vệ Rừng và Môi trường” lần thứ 3 năm 2019

Ông Lê Biên Hòa ở huyện Gio Linh được công nhận nông dân đầu tiên của Việt Nam trồng rừng FSC.

Quảng Trị là mô hình điểm đầu tiên của cả nước

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng cho biết, sau hơn 10 năm, được sự giúp đỡ của Tổng cục Lâm nghiệp mà nay là Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả trong việc rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững (FSC).

Từ năm 2007, việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC bước đầu được thực hiện trên địa bàn hai xã ở huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, quản lý rừng bền vững, các mục tiêu về đa dạng hệ sinh thái, mục tiêu về lâm nghiệp được giới thiệu và đề cập trong quá trình quản lý kinh doanh rừng. Đến năm 2010, mô hình này đã được tổ chức quản trị rừng thế giới đánh giá và cấp chứng chỉ FSC với diện tích 316 ha rừng cho 118 hộ gia đình.

Đây cũng là mô hình đầu tiên về cấp chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình nông dân ở Việt Nam và khu vực Đông-Nam Á. Đến cuối năm 2018, diện tích rừng được cấp chứng chỉ của nhóm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt gần hai nghìn ha với sự tham gia của 29 chi hội cơ sở với 572 hội viên, tại 15 xã, phường, thị trấn trên địa bàn sáu huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng ba nghìn ha rừng trồng của hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Lê Biên Hòa ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, hộ dân tham gia trồng rừng FSC từ ngày đầu tiên, hiện sở hữu gần 50 ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ, cho biết trồng rừng theo cách truyền thống mỗi ha từ sáu đến bảy năm tuổi, chăm sóc chu đáo cũng chỉ bán được 60 đến 80 triệu đồng. Trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, mỗi ha bán với giá hơn 200 triệu đồng.

Nhờ chủ động cơ cấu lại lâm nghiệp, đến cuối năm 2018, tỉnh Quảng Trị có hơn 240 nghìn ha diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 51%, trong đó có hơn 22 nghìn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, tập trung chủ yếu ở các Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải và Công ty Lâm nghiệp đường 9, còn lại một phần diện tích của nhóm hộ gia đình. Với thành tích này, Bộ NN&PTNT nhiều lần đánh giá, Quảng Trị là mô hình điểm của cả nước về phát triển rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cũng như tái cơ cấu lâm nghiệp.

Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị, Hoàng Đức Doanh, cho biết, quá trình thực hiện trồng và quản lý rừng theo mô hình cấp chứng chỉ FSC là cuộc vận động sự tham gia tự giác của người dân và doanh nghiệp. Ngoài việc bán gỗ có giá cao hơn rừng trồng theo cách truyền thống, rừng trồng FSC còn mang lại nhiều lợi tích về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nguồn nước do rừng mang lại.

Để giải quyết thị trường tiêu thụ lâm sản ổn định cho hội viên, Hội đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâm sản cho người trồng rừng với doanh nghiệp thu mua chế biến gỗ xẻ có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng trị và doanh nghiệp chế biến gỗ tại TP Hồ Chí Minh (Công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty Scansia Pacific). Các công ty cam kết mua toàn bộ số gỗ rừng trồng có chứng chỉ của hộ dân với mức giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ theo thời giá thị trường từ 15 đến 18%; một số cam kết khác, như: thu mua gỗ dăm có chứng chỉ rừng trong trường hợp gỗ bị bão đổ gãy, hỗ trợ hộ nông dân vay tiền giải quyết khó khăn tài chính để giữ rừng với chu kỳ dài hơn, tài trợ các chi phí cho đánh giá chứng chỉ theo định kỳ 5 năm và hằng năm.

Trong xu thế hội nhập với cam kết của Chính phủ về gỗ hợp pháp với EU, Mỹ, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đang tập trung vận động người dân mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, phấn đấu đến năm 2025, đạt được 42 nghìn ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ.

Để đạt được diện tích này, trước hết cần rà soát, điều chỉnh, quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên, mở rộng diện tích đất phát triển rừng sản xuất, từng bước có kế hoạch chuyển từ rừng trồng gỗ dăm sang kinh doanh rừng gỗ lớn; nâng cao chất lượng rừng trồng đạt trên 60% gỗ lớn và 40% gỗ nhỏ. Tỉnh Quảng Trị mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Bộ NN&PTNT nhằm giúp Quảng Trị đạt được mục tiêu trở thành trung tâm nguyên liệu gỗ rừng trồng của Việt Nam.

Khai thác rừng của nhóm hộ gia đình ở Quảng Trị.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng, phân tích, quá trình trồng rừng FSC ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết bằng chính sách vĩ mô. Làm được điều này không chỉ giúp riêng cho Quảng Trị, mà còn giúp các địa phương khác trong cả nước đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lâm nghiệp đạt kết quả tốt hơn nữa.

Thứ nhất, hiện trồng rừng FSC đòi hỏi có chu kỳ từ chín đến mười năm, rừng gỗ lớn 15 năm; trong khi đó, trồng rừng truyền thống bán gỗ dăm chu kỳ chỉ cần năm đến sáu năm. Người trồng rừng đa số đang khó khăn về kinh tế nên có tình trạng lúc đầu hăng hái tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng FSC nhưng sau đó họ xin rút để khai thác rừng non bán băm dăm nguyên liệu gỗ giấy lấy tiền giải quyết nhu cầu bức thiết của gia đình. Cùng với đó, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hằng năm khá cao nên các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh phí. Trong lúc đó, người dân khó tiếp cận các ngân hàng thương mại, chính sách vay vốn trồng rừng. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh tín dụng cho người trồng rừng FSC để họ có thêm điều kiện trồng rừng bền vững.

Thú hai, thị trường giống cây phục vụ trồng rừng hiện nay chủ yếu là cây keo, nghèo về chủng loại và chất lượng. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, sớm tìm ra tập đoàn cây giống phục vụ trồng rừng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để sử dụng vào các chương trình trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đa dạng cho nhu cầu thị trường chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay.

Thứ ba, về chính sách, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất rừng gỗ lớn; có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng; ưu đãi miễn thuế sử dụng đất đối với các dự án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu; và có chính sách bảo hiểm rủi ro đối với loại hình kinh doanh này.

Rừng FSC của Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải.