BVR&MT – Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Tân Mới, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng giang, tỉnh Bắc Giang là một điển hình trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng đậu đũa. Hiện gia đình anh có hơn 2 sào ruộng chuyên trồng loại cây này, trong đó 1 sào đã cho thu hoạch còn một sào đang thời kỳ tỉa lá. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa ẩm nên cây đậu đũa phát triển tốt, năng suất đạt 1 tấn/sào.
Anh Sơn cho biết, so với những năm trước giá đậu đũa năm nay cao hơn rất nhiều. Hiện, đậu đũa anh đang bán tại ruộng 15.000 đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cây cắm gia đình anh thu về 8- 10 triệu đồng/sào. Vừa rồi anh chị đã thu hoạch được 1 sào và đang tiếp tục chăm sóc hơn một sào đậu đũa nữa để cho thu nhập liên tục từ nay đến hết tháng 6 dương lịch.
Cùng sinh sống và canh tác trong thôn Tân Mới với anh Sơn là gia đình chị Nguyễn Thị Lệ – một nông dân cũng “nổi danh” trong Thôn với thu nhập cao nhờ trồng đậu đũa. Chị Lệ vui vẻ chia sẻ năm nào cũng vậy, cứ vào vụ hè thu gia đình chị lại dành khoảng 1 sào chân cấy lúa để trồng đậu đũa vì so với cấy lúa thì trồng đậu đũa cho thu nhập cao hơn rất nhiều, Cũng theo chị Lệ, đậu đũa có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất nên trồng ở những chân ruộng giữ nước tốt. Cây đậu đũa ưa ánh sáng mạnh nên khi trồng mật độ trồng phải phù hợp, thường thì bà con trồng hàng cách hàng 60-65cm, cây cách cây 25-30cm. Khi trồng được gần một tháng bà con nên tỉa bớt lá để tăng độ chiếu sáng cho cây. Cây đậu đũa cần nhiều nước ở hai giai đoạn chính từ lúc gieo đến khi cây ra được 5-6 lá và thời kỳ ra hoa đậu quả, vì vậy cần cung cấp đủ nước thường xuyên và duy trì độ ẩm ở mức 70 – 80% nhưng không được để úng ngập sẽ gây thối rễ.
Khi được hỏi về kiến thức phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu đũa anh Sơn chia sẻ: Trồng đậu đũa ngại nhất bệnh bọ trĩ, bệnh thường gây quăn lá, lá chuyển màu vàng, nhất là những lá non, do bọ trĩ hút nhựa lá, từ đó làm cho cây sinh trưởng chậm, giảm năng suất. Bọ trĩ hoạt động cả ngày và đêm; ban ngày chúng hoạt động tương đối nhanh nhẹn, khi bị động chúng sẽ ẩn sang các lá khác hoặc rơi xuống đất giả vờ chết. Bọ trĩ thường gây hại nặng ở những ruộng thiếu nước. Vì vậy, người trồng đậu đũa cần phải luôn giữ ẩm cho những chân ruộng trồng đậu đũa của gia đình mình. Để kịp thời phát hiện bọ trĩ tấn công ruộng đậu đũa bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tỉa lá, làm sạch cỏ dại cho cây đậu đũa để hạn chế không cho bọ trĩ xuất hiện, đồng thời có biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời cho cây rau màu của gia đình mình.
Theo ông Nguyễn Khánh Hùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, Tân Dĩnh là một vùng đất có rất nhiều lợi thế để phát triển cây rau màu đặc biệt là cây đậu đũa do có dư địa phát triển, hơn nữa người nông dân nơi đây lại có kiến thức và kinh nghiệm về canh tác rau màu qua các lớp tập huấn thường xuyên của Trung tâm Khuyến nông Huyện. Các nông dân sở hữu diện tích trồng đậu đũa lớn trong vùng đều tuân thủ một công thức chung trong phát triển loại cây trồng này đó là luôn giữ ẩm ruộng, bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh vì vậy năng suất đậu đũa đạt rất cao.
Nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, những năm qua Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Huyện liên tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác rau màu nhằm giúp bà con trong Huyện nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng, hiện Trung tâm cũng đang tích cực nhân rộng mô hình trồng đậu đũa ở Tân Dĩnh sang các thôn lân cận.
Nguyễn Thị Thanh
Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang