BVR&MT – Hàng trăm hecta ngô của tất cả 11 huyện, thành phố tại tỉnh Lạng Sơn đang bị sâu keo mùa Thu gây hại.
“Sâu keo mùa Thu” tên khoa học là Spodoptera frugiperd đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam khoảng đầu năm 2019 và đã gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại ở tỉnh này đã lên đến gần 700ha và còn có chiều hướng tăng nhanh. Đáng chú ý, đây là loại sâu mới, lần đầu tiên gây hại trên cây ngô. Hiện mật độ sâu non phổ biến từ 2-6 con/m2, một số diện tích có mật độ 10-15 con/m2.
Việc diệt trừ loại sâu keo này cũng gặp khó khăn vì sâu nằm ở trong đỉnh nõn của cây ngô. Ngoài việc bắt sâu thủ công, người dân có thể phun thuốc diệt trừ sâu. Tuy nhiên, khi phun thuốc, phải phun từ trên đỉnh nõn của cây trở xuống, tránh việc sâu bị lá ngô che kín, làm giảm hiệu quả diệt trừ.
Bà Vy Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Giang, huyện Văn Quan cho biết: Trên địa bàn xã gần đây xuất hiện tình trạng sâu phá hoại trên cây ngô. Nhiều hộ dân đã chủ động bắt sâu bằng tay và phun thuốc diệt sâu. Đến thời điểm hiện tại nhiều diện tích ngô được phun thuốc, sâu ít dần và cây ngô đang phát triển trở lại. Tuy nhiên nhiều diện tích ngô trồng sau, lá ngô non lại đang “thu hút” sâu keo phá hoại.
Các cơ quan chuyên môn đã và đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai tập trung các giải pháp phòng, diệt trừ sâu gây hại, tránh gây thiệt hại cho bà con nông dân. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để phun diệt trừ hiệu quả loại sâu này, nên sử dụng một trong các loại thuốc như: Esfenvalat, Carbaryl, Malathion, Permethrin và Lamba cyhalothrin… Ngành bảo vệ thực vật lo ngại thời tiết bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu keo và các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng phát triển.
Chính vì vậy, bà con nông dân cần chủ động theo dõi đồng ruộng để kịp thời phát hiện, thông báo đến ngành chức năng diễn biến sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng.
Hoàng Tôn