BVR&MT – Tại khu vực giải phân cách của Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đã thường xuyên diễn ra tình trạng đổ trộm chất thải, trong đó có chất thải công nghiệp ra môi trường. Theo nhiều người, đây là một hành vi cần bị lên án mạnh mẽ vì nó không chỉ gây tác hại trước mắt cho người dân địa phương mà còn ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái, môi trường tại khu vực đó.
Theo phản ánh của người dân, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, thường xuyên diễn ra việc một số cá nhân lén lút đổ trộm các loại chất thải, trong đó có chất thải công nghiệp ra các vị trí giải phân cách thuộc Đại lộ Thăng Long. Hành vi này đã khiến cho cuộc sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều xã dọc theo tuyến đường này bị ảnh hưởng nặng nề. Điển hình như tại đoạn đường chạy qua địa phận huyện Quốc Oai, thời gian gần đây xuất hiện nhiều khu vực cỏ bị cháy khô. Đây là kết quả của hành vi đổ trộm chất thải công nghiệp do một số lái xe bồn lén lút thực hiện vào ban đêm. Điều đáng nói là những loại chất thải này theo hệ thống thoát nước chảy vào ao hồ của nhiều hộ gia đình và gây thiệt hại lớn cho người dân. Bà Kiều Thị Thu, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai bức xúc: “Mấy tháng trước, chính loại chất thải công nghiệp này đã làm chết hơn 1 tấn cá trong ao nhà tôi. Thiệt hại ước tính khoảng trên 40 triệu đồng”. Theo ông Nguyễn Danh Thuận, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, giải pháp tình thế đó là phải bơm bỏ lượng nước tại các ao bị ô nhiễm. Tuy xã đã tổ chức lực lượng công an tuần tra, mật phục nhưng chưa có biện pháp nào xử lý triệt để tình trạng đổ trộm chất thải trên địa bàn xã, dọc theo Đại lộ Thăng Long. Theo thống kê của UBND xã Ngọc Liệp, từ tháng 12/2017 đến tháng 9/2018 đã có 5 lần xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải lỏng trên đường gom Đại lộ Thăng Long qua địa phận xã, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Tuy nhiên, sự việc chỉ được phát hiện sau khi hành vi xả thải trộm hoàn tất và không xử lý được đối tượng vi phạm.
Mới đây nhất, tại khu vực ven Đại lộ Thăng Long đoạn qua xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội), người dân bất ngờ với sự xuất hiện của hàng chục thùng phi sắt loại 100 lít bị vứt trộm nằm ngổn ngang. Không ai biết dung dịch chứa trong các thùng phi đó là gì nhưng chỉ thấy nó bốc mùi nồng nặc. Không chịu được ô nhiễm, một số người dân sinh sống gần khu vực này đã đổ xăng lên để đốt bãi phế thải nhưng chất lỏng chảy ra từ thùng phi không cháy mà đóng lại thành từng cục lớn như cao su. Lo sợ đây là những hóa chất công nghiệp độc hại nên không còn ai dám lại gần những chiếc thùng phi này.
Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường 2014, đã quy định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”. Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí”. Tuy nhiên, trên thực tế, nạn “rác tặc” đã hoành hành trên Đại lộ Thăng Long một thời gian dài. Những bãi rác vô chủ lần lượt mọc lên ở bất kì khoảng đất trống nào ven đường. Tại nhiều vị trí còn bị các đối tượng lén đổ trộm các loại rác thải sinh hoạt, đổ trộm phế thải xây dựng và các rác thải rắn, các chất thải dạng lỏng… Đây thực sự đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa môi trường sống của người dân nơi đây. Theo nhiều người, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là việc xử lý tận gốc việc đổ trộm chất thải, rác thải vẫn như chưa có hiệu quả bởi thủ đoạn đối phó tinh vi của các đối tượng vi phạm. Mặt khác, hiện nay việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải vẫn còn nhiều bất cập do lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng nên việc đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang hành vi vi phạm.
Có thể thấy, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp, đấu tranh lên án hành vi đổ trộm chất thải nói chung, chất thải công nghiệp nói riêng là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Trong đó, vấn đề cốt lõi là tăng cường giáo dục tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Đồng thời, để xử lý vấn nạn này cần sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan, ban ngành, bao gồm Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, về việc xử lý các hành vi đổ trộm chất thải, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; đặc biệt cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm minh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Theo đó, cần có một chế tài chặt chẽ hơn, quyết liệt và mạnh tay hơn để răn đe đối tượng vi phạm. Đặc biệt, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đấu tranh; kịp thời ghi nhận (quay clip, chụp hình) những hành vi đổ trộm chất thải của các tổ chức, cá nhân và thông báo với chính quyền, cơ quan chức năng các cấp. Đó là cách để chúng ta phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy lùi tình trạng đổ trộm chất thải các loại, góp phần bảo vệ môi trường sống của mọi người.