BVR&MT – Chỉ hơn một phần ba (37%) trong số 246 con sông dài nhất hành tinh còn được chảy tự do.
Đây là kết quả nghiên cứu của đội ngũ gồm 34 nhà khoa học đến từ Đại học McGill, WWF và các tổ chức nghiên cứu về dòng chảy tự do của các dòng sông lớn trên thế giới.
Theo thông cáo từ WWF, bằng việc sử dụng các hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu khác, các nhà khoa học đã đánh giá tình trạng kết nối của các con sông với tổng chiều dài là 12 triệu km và phát hiện chỉ còn 21 trong số 91 dòng sông trên thế giới, với chiều dài hơn 1.000 km và chảy ra biển, vẫn giữ được kết nối trực tiếp từ đầu nguồn ra đại dương.
Những dòng sông chảy tự do còn lại trên trái đất tập trung chủ yếu tại những khu vực xa xôi của Bắc Cực, lưu vực sông Amazon, và lưu vực sông Congo.
Các dòng chảy tự do này cũng bao gồm dòng Irrawaddy và Salween tại Myanmar – hai trong số những dòng sông chảy tự do còn lại của Đông Nam Á; và phần hạ lưu của sông Mê Công bao gồm Nam Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đáng chú ý là cả ba dòng sông Mê Công, Irrawaddy và Salween hiện đều đang bị đe dọa bởi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi hạ nguồn sông Mê Công bị đe dọa bởi dự án đập Sambor khổng lồ và dự án đập Stung Treng.
“Thủ phạm” chính dẫn tới sự ngắt kết nối của các dòng sông được xác định là do đập và các hồ chứa nước. Nghiên cứu ước tính hiện có khoảng hơn 60.000 con đập lớn trên thế giới với hơn 3.700 đập thủy điện đang được quy hoạch hoặc xây dựng.
Ngoài ra, Báo cáo cũng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục đe doạ tới sức khỏe của các con sông. Nhiệt độ tăng không những tác động tới mô hình dòng chảy, chất lượng nước mà còn ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của các dòng sông.