Tóm tắt – Nghiên cứu ảnh hưởng của phân chuồng chăn nuôi lợn đã qua xử lý qua hầm BIOGAS đến sinh trưởng, phát triển, năng suất giống ngô NK66 trồng tại Làng Ao, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Thí nghiệm được bố trí sắp xếp theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCB) gồm 4 công thức, 3 lần nhắc lại: Công thức 1 (đối chứng): Nền vô cơ; Công thức 2: Nền vô cơ + 5 tấn phân chuồng; Công thức 3: Nền vô cơ + 10 tấn phân chuồng; Công thức 4: Nền vô cơ + 15 tấn phân chuồng. Nền vô cơ: 170 kg N + 75 kg P2O5 + 75 kg K2O. Kết quả nghiên cứu cho thấy với công thức 3 (Nền vô cơ + 10 tấn phân chuồng/ha) cây NK66 ngô trồng ở làng Ao, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có khả năng chống đổ ngã cao nhất, thu được năng suất cao nhất (8,31 tấn/ha); thời gian sinh trưởng là 99 ngày.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực hiện mô hình chăn nuôi lợn ngoại khép kín chủ động nguyên liệu thức ăn ở những trang trại có diện tích đất rộng giúp người dân chủ động được con giống và nguồn thức ăn được cung cấp tại chỗ, đảm bảo chất lượng, chủ động về khối lượng thức ăn sử dụng giúp trang trại thuận lợi trong quản lý và tổ chức chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Phân chuồng đã qua xử lý hầm BIOGAS là nguồn phân sẵn có ở các trang trại chăn nuôi lợn. Giống ngô NK66 là giống ngô lai triển vọng với thời gian sinh trưởng ngắn, cây cao trung bình, cứng cây, khả năng sinh chịu nóng, chịu hạn tốt. Dạng hình cây gọn, sinh trưởng phát triển rất khỏe, bộ lá xanh lâu tàn, cứng cây và ít đổ ngã.
Mong muốn có một công thức phù hợp nhất khi sử dụng phân chuồng chăn nuôi lợn đã qua xử lý hầm BIOGAS để trồng ngô giống NK66 cho các trang trại chăn nuôi lợn chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phân chuồng trang trại lợn đã qua xử lý qua hầm BIOGAS đến sinh trưởng, phát triển, năng suất giống ngô NK66 trồng tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
2. VẬT LIỆU, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Vật liệu nghiên cứu
Giống ngô lai NK66 có nguồn gốc Thái Lan do Công ty Syngenta Việt Nam nghiên cứu. Giống ngô lai NK66 được tạo từ tổ hợp lai giữa 2 dòng ngô có nguồn gốc nhiệt đới NP5024/NP5063. Giống được khảo nghiệm từ năm 2002-2005. Được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống quốc gia năm 2005.
Phân chuồng trang trại lợn đã qua xử lý hầm Bioga tại trang trại của ông Trần Thanh An, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Phân urê, lân, kali….
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành tại trang trại của ông Trần Thanh An, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, từ 20 tháng 1 năm 2018 đến 30 tháng 4 năm 2018.
Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí sắp xếp theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCB) gồm 4 công thức, 3 lần nhắc lại:
Công thức 1(đối chứng): Nền vô cơ + 0 tấn phân chuồng;
Công thức 2: Nền vô cơ + 5 tấn phân chuồng;
Công thức 3: Nền vô cơ + 10 tấn phân chuồng;
Công thức 4: Nền vô cơ + 15 tấn phân chuồng.
Nền vô cơ : 170 kg ure (N) + 75 kg lân (P2O5) + 75 kg Kali (K2O).
Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân + 1/4 ure; Bón thúc lần 1 (1/4 ure + 1/3 kali): 15 ngày sau gieo; bón thúc lần 2 (1/4 ure + 1/3 kali): 30 ngày sau gieo; bón thúc lần 3 (1/4 ure + 1/3 kali): 40 ngày sau gieo.
Thí nghiệm theo dõi 10 cây/công thức/lần nhắc lại, cắm cọc đánh dấu để cố định cây theo dõi theo đường chéo góc, diện tích mỗi ô thí nghiệm là 20 m2, diện tích các ô thí nghiệm là 180 m2. Mật độ trồng 57.000 cây/ha.
Chỉ tiêu theo dõi: Thời gian sinh trưởng (ngày mọc, ngày trỗ cờ, ngày tung phấn, phun râu và ngày chín sinh lý); Động thái sinh trưởng (Động thái tăng trưởng chiều cao của cây, chiều cao cây cuối cùng, chiều cao đóng bắp; Khả năng chống đổ ngã (tỉ lệ đổ rễ, tỉ lệ gẫy thân); Các yếu tố cấu thành năng suất ngô (số bắp hữu hiệu/cây, số hàng hạt/bắp, số hạt/hàng, khối lượng 1000 hạt, năng suất thực thu);
Số liệu được xử lý theo chương trình phần mềm EXCEL 6.0 và chương trình phần mềm SPSS 16.0.
3. Kết quả nghiên cứu
Thời gian sinh trưởng của giống ngô NK66
Bảng 1: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến thời gian sinh trưởng phát triển của giống ngô lai NK66
Thời gian sinh trưởng của cây ngô NK66 trong 4 công thức giao động từ 98 đến 101 ngày. Ngắn nhất khi không sử dụng phân chuồng và dài nhất khi sử dụng 15 tấn phân chuồng.
Động thái tăng trưởng chiều cao cây ngô NK66.
Bảng 2: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến động thái tăng trưởng chiều cao cây ngô giống NK66
Chiều cao của cây ngô NK66 trong 4 công thức giao động từ 198,8cm đến 210,1cm. Thấp nhất khi không sử dụng phân chuồng và cao nhất khi sử dụng 15 tấn phân chuồng.
Chiều cao cuối cùng và chiều cao đóng bắp của cây ngô NK66
Bảng 3: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến chiều cao cây cuối cùng và chiều cao đóng của ngô lai NK66
Chiều cao đóng bắp của cây ngô NK66 trong 4 công thức giao động từ 99,3 cm đến 105 cm. Thấp nhất khi không sử dụng phân chuồng và cao nhất khi sử dụng 15 tấn phân chuồng.
Khả năng chống đổ ngã
Bảng 4: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến khả năng chống đổ ngã của cây ngô lai NK66
Cây ngô NK66 đổ rễ cao nhất (4,5%) ở công thức 2 – sử dụng mức 5 tấn phân chuồng và gãy thân nhiều nhất (1,8%) ở công thức 1 – không sử dụng phân chuồng. Cây ngô ít đổ rễ (3,4%) và gãy thân (1,0%) nhất ở công thức 3, mức sử dụng 10 tấn phân chuồng.
Các yếu tố cấu thành năng suất giống ngô NK66
Bảng 5: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến các yếu tố cấu thành năng suất của cây ngô lai NK66
Ở công thức 4 số bắp hữu hiệu và số hạt trên hàng là nhiều nhất nhưng ở công thức 3 số hàng hạt trên bắp lại đạt nhiều nhất.
Năng suất thực thu của ngô lai NK66
Bảng 6: Ảnh hưởng của phân chuồng đã xử lý qua hầm Biogas đến năng suất của cây ngô lai đơn NK66
Như vậy, với các công thức thí nghiệm như trên, kết quả nghiên cứu cho thấy với công thức 3 (Nền vô cơ + 10 tấn phân chuồng/ha) cây ngô NK66 trồng ở làng Ao, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có thời gian sinh trưởng là 99 ngày, khả năng chống đổ ngã là cao nhất và thu được năng suất cao nhất.
Kết luận
Với giống ngô NK66, các trang trại chăn nuôi có diện tích rộng có thể trồng để chủ động nguồn thức ăn, tận dụng nguồn phân chuồng hiện có để gia tăng giá trị sản phẩm cho trang trại. Công thức nên sử dụng là 10 tấn phân chuồng + 170 kg ure + 75 kg lân + 75 kg Kali.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Đích, Phạm Đồng Quảng, Phạm Thị Tài (1995), Kỹ thuật trồng ngô mới năng suất cao. NXB nông nghiệp. |
Trần Thị Thanh Huyền – Tống Văn Giang – Trần thanh An (Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa)
Trần Thị Thanh Bình (Trung tâm nghiên cứu động vật đất, ĐHSP Hà Nội)