Tóm tắt – Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu đặc điểm diễn biến và nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, tăng diện tích rừng và tăng chất lượng rừng giai đoạn 2010-2015 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động thực thi REDD+ trên địa bàn 55 xã có rừng tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2010-2015 diện tích rừng bị mất là 9.299,09 ha, suy thoái rừng là 3.521,45 ha, diện tích rừng tăng 7.692,14 ha và diện tích có chất lượng rừng tăng là 2.270,41 ha. Nghiên cứu đã chỉ ra được các nguyên nhân rừng tự nhiên bị mất là: Do mở các tuyến giao thông, xây dựng hồ thủy điện, thủy lợi; do kinh tế người dân khó khăn, thiếu việc làm là nguyên nhân làm suy thoái rừng và mất rừng; giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn có nhiều dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn nên diện tích rừng trồng có nhiều biến động, giá trị kinh tế của rừng trồng được khẳng định, tạo nên phong trào trồng rừng đây là nguyên nhân tăng diện tích rừng và mất rừng.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở duyên hải Miền Trung Việt Nam, trên trục Bắc – Nam của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần tuyến hành lang Đông – Tây của tuyến đường Xuyên Á trải dài từ 16000’ đến 16045’ vĩ độ Bắc và từ 107001’’đến 108012’ kinh độ Đông. Tổng diện tích tự nhiên là 503.320,53 ha, trong đó diện tích có rừng là 297.802,40 ha, với độ che phủ 56,63% , bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, vai trò của rừng đối với đời sống xã hội rất quan trọng, vì vậy đánh giá biến động tài nguyên rừng tìm các nguyên nhân nhằm làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng là rất cần thiết.
2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
a. Đối tượng: Diện tích rừng giai đoạn 2010-2015; các nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, tăng diện tích rừng và tăng chất lượng rừng.
b. Phạm vi: Về không gian: Diện tích rừng trên địa bàn 55 xã có rừng tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế;
Về thời gian: Diễn biến rừng 55 xã có rừng tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2015.
c. Phương pháp nghiên cứu:
Xây dựng khung logic để xác định và phân tích vấn đề trong quá trình thu thập số liệu; phương pháp thu thập số liệu thứ cấp; phương pháp thu thập số liệu sơ cấp (phỏng vấn, thảo luận nhóm, khảo sát thực tế). Xử lý số liệu bằng các phần mềm chuyên dụng: ENVI; MapInfo; Excel.
Công tác chuẩn bị:
Từ các bản đồ giải đoán ảnh vệ tinh năm 2010, 2015 nhóm đã tiến hành xuất các số liệu và chọn 28 xã ưu tiên có độ biến động lớn về mất rừng, suy thoái rừng và tăng rừng trong 55 xã có rừng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng bản đồ ngoại nghiệp để phục vụ cho công tác hiện trường; In ấn các số liệu, bảng tham vấn.
Khảo sát bản đồ giải đoán hiện trạng giai đoạn 2010-2015.
Bước 1: Thiết kế tuyến điều tra
Căn cứ vào mẫu khóa ảnh trong phòng, tiến hành chọn các tuyến khảo sát thực địa lấy mẫu ảnh giải đoán sao cho tuyến khảo sát đi qua nhiều mẫu ảnh, chủ yếu tập trung vào các vị trí biến động bất hợp lý ví dụ: Từ rừng trồng sang rừng giàu, rừng trung bình; đất trống sang rừng tự nhiên, v.v..
Bước 2: Khảo sát ngoại nghiệp
Các mẫu khoá ảnh trong phòng sẽ được xác định vị trí chính xác ngoài thực địa bằng máy định vị vệ tinh. Vị trí lấy mẫu khóa ảnh được nằm giữa lô và cách ranh giới tiếp biên lô hiện trạng tối thiểu bằng 2 lần kích thước pixel ảnh.
Mô tả những đặc trưng, xác định chính xác tên trạng thái rừng, chụp ảnh trạng thái rừng. Các ảnh chụp thực địa phải ghi rõ các thông tin như: Tên trạng thái được chụp, hướng chụp, khoảng cách chụp, thời gian chụp…
Bước 3: Hoàn chỉnh mẫu khóa ảnh
Kết hợp kết quả xây dựng, mô tả mẫu khóa ảnh trong phòng và kiểm chứng, bổ sung ngoài thực địa để xây dựng bộ mẫu khóa ảnh hoàn chỉnh cho một tỉnh. Mỗi trạng thái loại đất loại rừng cần có ít nhất 3 mẫu sau khi hoàn thành khảo sát ngoại nghiệp.
Khoanh vẽ hiện trạng rừng
Trên cơ sở mẫu khóa ảnh đã được xây dựng, ảnh Landsat 7, 8 sẽ được giải đoán để thành lập bản đồ hiện trạng rừng, khoanh vẽ trực tiếp trên giao diện màn của phần mềm Mapinfo. Việc khoanh vẽ giải đoán sẽ được tiến hành từ các nhóm đối tượng chính như đất có rừng (Rừng tự nhiên, rừng trồng), đất không rừng, đất khác; sau đó tiến hành chi tiết hoá cho từng đối tượng cụ thể theo hệ thống phân loại.
Diện tích tối thiểu cho một lô trạng thái là 3 pixel tương ứng với 0,27 ha.
Trong quá trình giải đoán, các lô trạng thái sẽ được định tên. Tuy nhiên, một số lô khó nhận biết hay còn nghi ngờ do có sự khác biệt không rõ ràng với các trạng thái khác sẽ được đánh dấu để kiểm tra trong quá trình ngoại nghiệp. Trong quá trình giải đoán ảnh, lấy ranh giới nhỏ nhất là ranh giới tiểu khu làm đơn vị khoanh vẽ ranh giới lô, ngoài ra còn đưa thêm ranh giới ba loại rừng, đây là cơ sở xác định chức năng rừng theo lô làm cơ sở cho công tác thống kê, tổng hợp chức năng các loại đất, loại rừng sau này.
Kiểm tra và hoàn thiện bản đồ
Thiết kế các tuyến kiểm tra, khoanh vẽ bổ sung phải đi qua tất cả các loại đất, loại rừng trong phạm vi giải đoán. Chú ý tập trung vào những đối tượng khó nhận biết hoặc chưa xác định được trạng thái khi giải đoán trong phòng.
Trên tuyến điều tra tiến hành so sánh, đối chiếu các loại đất, loại rừng giữa bản đồ giải đoán và thực địa. Việc kiểm tra phải tập trung chú trọng vào một số đối tượng chính sau: Các đối tượng còn nghi ngờ, các trạng thái dễ nhầm lẫn, những đối tượng có sự sai khác trong khi giải đoán so với thực địa.
Trên các tuyến điều tra, tại điểm kiểm tra thực hiện như sau:
Xác định vị trí chính xác bằng máy định vị GPS giữa bản đồ và thực địa; chụp ảnh đối tượng quan sát. Ghi lại thông tin về ảnh chụp thực địa như: Tên trạng thái được chụp, hướng chụp, khoảng cách chụp, thời gian chụp…
Tham vấn nguyên nhân biến động hiện trạng giai đoạn 2010-2015
Bước 1: Liên lạc với các cán bộ cấp xã, kiểm lâm địa bàn đối với 28 xã chọn tham vấn.
Bước 2: Chia làm hai nhóm tiến hành đến các xã để tham vấn các nội dung liên quan đến biến động hiện trạng rừng: Mất rừng, suy thoái rừng, và tăng diện tích rừng trên địa bàn xã giai đoạn 2010-2015. Sử dụng bộ câu hỏi tham vấn. Đối tượng tham vấn là cán bộ UBND xã, cán bộ kiểm lâm cấp huyện, cán bộ kiểm lâm địa bàn, các chủ rừng chính và những người dân địa phương nắm rõ biến động rừng để xác định các nguyên nhân chính gây biến động rừng (nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng và tăng rừng) tại các xã mục tiêu đã được lựa chọn.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Kết quả kiểm chứng bản đồ hiện trạng rừng và biến động giai đoạn 2010-2015
Kết quả kiểm chứng bản đồ hiện trạng năm 2010
Sau khi tiến hành giải đoán ảnh Landsat 7 năm 2010 và kiểm chứng tại các vị trí trên hiện trường thuộc 28 xã của 6 huyện, thị xã cho kết quả diện tích rừng tự nhiên là 195.580,26 ha chiếm 56,4 % diện tích; diện tích rừng trồng 41.823,39 ha chiếm 12.1 % còn lại là đất trống (31.5 %). Được thể hiện chi tiết cho từng huyện.
Qua đó cho thấy, rừng tự nhiên chủ yếu tập trung ở 3 huyện A Lưới, Nam Đông và Phong Điền, trong khi đó diện tích rừng trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà và Phong Điền. Diện tích đất trống 2 (DT2) có thể là diện tích rừng trồng chưa kép tán hoặc là đất trống có cây gỗ rải rác.
Đã xây dựng bản đồ hiện trạng rừng được giải đoán năm 2010.
Kết quả kiểm chứng bản đồ hiện trạng năm 2015
Sau khi tiến hành giải đoán ảnh Landsat8 năm 2015 và kiểm chứng tại các vị trí trên hiện trường hiện thuộc 28 xã của 6 huyện, thị xã cho kết quả diện tích rừng tự nhiên là 195.106,97 ha chiếm 56,3 % diện tích; diện tích rừng trồng 40.689,73 ha chiếm 11,7% còn lại là đất trống (30,6 %) và đất khác (1,4 %), được thể hiện chi tiết ở các huyện.
Qua đó cho thấy, rừng tự nhiên chủ yếu tập trung ở 3 huyện A Lưới, Nam Đông và Phong Điền, trong khi đó diện tích rừng trồng tập trung chu yếu ở các huyện Phú Lộc, Hương Trà và Phong Điền. Diện tích đất trống 2 (DT2) có thể là diện tích rừng trồng chưa kép tán hoặc là đất trống có cây gỗ rãi rác. Năm 2015 có thêm phần đất khác là diện tích các loại rừng chuyển sang.
Kết quả kiểm chứng biến động hiện trạng rừng giai đoạn 2010-2015
Sau khi có kết quả hiện trạng của hai năm 2010 và 2015 tiến hành chồng ghép không gian giữa hai bản đồ để xác định vị trí và diện tích bị biến động Kết biến động rừng thể hiện ở ma trận sau:
Qua bảng ma trận trên cho thấy diện tích mất trong giai đoạn 2010-2015 là 383,91 ha.
Các vị trí bị biến động được thể hiện ở bản đồ dưới đây:
Qua bảng trên cho thấy: Phong Điền là huyện có diện tích suy thoái rừng lớn nhất, Phú Lộc là huyện mất rừng lớn nhất, A Lưới là huyện có diện tích rừng tăng chất lượng lớn nhất, và Phú Lộc là huyện có diện tích rừng tăng lớn nhất.
Các vị trí bị biến động được thể hiện ở bản đồ hiện trạng rừng.
Đã xây dựng được bản đồ biến động hiện trạng rừng giai đoạn 2010-2015.
Nguyên nhân biến động rừng
Nguyên nhân mất rừng
Kết quả phỏng vấn các bên liên quan cho thấy: Trong 122 phiếu trả lời về mất rừng, tất cả đều đồng ý là có tình trạng mất rừng, chiếm 100%; trong đó có 73 người đồng ý là mất rừng ở phạm vi nhỏ, chiếm 62% và có 33 người đồng ý là mất rừng ở phạm vi trung bình chiếm 28%.
Nguyên nhân trực tiếp:
Trong tổng số 283 ý kiến được tham vấn, số người trả lời nguyên nhân gây ra mất rừng là do xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ 26% và là nguyên nhân lớn nhất; tiếp theo là phát triển rừng trồng với 22% số người đồng ý. Đây là hai nguyên nhân trực tiếp chủ yếu gây nên mất rừng. Các cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2010 – 2015 chủ yếu là các tuyến đường như đường 74, La Sơn – Túy Loan, đường Quốc Phòng, hồ thủy điện Thượng Lộ, thủy lợi Tả Trạch.
Trong giai đoạn 2010-2015 rừng kinh tế trên địa bàn phát triển mạnh là nguyên nhân dẫn đến người dân xâm lấn rừng tự nhiên.
Vị trí xảy ra mất rừng do xây dựng có sở hạ tầng nhiều nhất trong giai đoạn 2010-2015 là phường Hương Vân thị xã Hương trà do xây dựng thủy điện Hương Điền, xã Dương Hòa thị xã Hương Thủy do xây dựng thủy lợi Tả Trạch, xã Phong Sơn huyện Phong Điền do xây dựng thủy điện Hương Điền, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới do xây dựng thủy điện Bình Điền và đường 71.
Vị trí xảy ra mất rừng do phát triển rừng trồng nhiều nhất trong giai đoạn 2010-2015 là huyện Phú Lộc, Phong Điền và tập trung ở thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc và xã Phong Mỹ huyện Phong Điền.
Nguyên nhân gián tiếp:
Trong 229 ý kiến tham vấn, có 36% cho rằng do kinh tế khó khăn và 32% cho rằng do không có việc làm dẫn đến mất rừng.
Qua đó cho thấy, nguyên nhân gây nên mất rừng chủ yếu là do đời sống người dân khó khăn, bên cạnh đó là việc phát triển rừng trồng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân suy thoái rừng:
Trong 122 phiếu trả lời về suy thoái rừng, có 95% cho là có suy thoái rừng; trong đó có 59% đồng ý nhưng suy thoái ở phạm vi nhỏ, còn 25% đồng ý là suy thoái ở phạm vi trung bình.
Nguyên nhân trực tiếp gây suy thoái rừng: Trong tổng số ý kiến được tham vấn (215 ý kiến), nguyên nhân gây ra suy thoái rừng lớn nhất là do khai thác trái phép chiếm tỷ lệ 45% và khai thác các cây gỗ quý là 27%. Đây là hai nguyên nhân trực tiếp chủ yếu gây nên suy thoái rừng
Suy thoái rừng xảy ra chủ yếu do khai thác rừng trái phép và những cây gỗ quý diễn ra ở các xã lớn như: Hương Nguyên, huyện A Lưới, xã Phong Mỹ huyện Phong Điền, các xã Thượng Quảng và, Thượng Nhật, huyện Nam Đông, xã Dương Hòa thị xã Hương Thủy.
Nguyên nhân gián tiếp gây suy thoái rừng: Trong 227 ý kiến tham vấn, có 35% cho rằng do kinh tế khó khăn và 29% cho rằng do không có việc làm dẫn đến suy thoái rừng.
Qua đó cho thấy nguyên nhân gây suy thoái rừng chủ yếu là do kinh tế người dân khó khăn dẫn đến khai thác trái phép.
Nguyên nhân tăng diện tích và chất lượng rừng:
Trong 122 phiếu trả lời câu hỏi rừng có tăng chất lượng, diện tích hay không, có 99% cho rằng có tăng diện tích rừng, trong đó có 49% cho là diện tích rừng tăng ở phạm vi nhỏ và 38% cho là tăng ở phạm vi trung bình. Về đối tượng rừng, có 79% số người được hỏi cho rằng tăng do diện tích rừng trồng 21% cho là tăng do tái sinh tự nhiên, 61% do cây ngoại lai, 39% do trồng rừng cây bản địa.
Nguyên nhân trực tiếp làm tăng rừng: Trong tổng số 222 ý kiến được tham vấn, nguyên nhân tăng rừng chủ yếu là do diện tích rừng trồng của người dân tăng chiếm 49%, diện tích của các tổ chức tăng 22%, tăng nhờ công tác quản lý bảo vệ, khoan nuôi xúc tiến tái sinh của tổ chức là 12% còn người dân là 11%.
Đối với rừng tự nhiên, đa số người dân cho rằng sau khi người dân được giao đất giao rừng tự nhiên ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân tăng lên.
Diện tích rừng tăng lên chủ yếu tập trung ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn huyện Phong Điền; xã Xuân Lộc, thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc; xã Hương Phú huyện Nam Đông, xã Bình Điền, Bình Thành, Hương Bình thị xã Hương Trà; xã Dương Hòa thị xã Hương Thủy, xã Hương Nguyên huyện A Lưới.
Nguyên nhân gián tiếp tăng rừng: Trong 305 ý kiến tham vấn, có 37% cho rằng do giá trị kinh tế của rừng trồng mang lại và 27% cho rằng do sự hỗ trợ của các chương trình dự án về phát triển lâm nghiệp, giai đoạn năm 2010-2015 trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án hỗ trợ phát triển như trồng rừng kinh tế WB3, JICA, BCC, Carbi, …. Các nguyên nhân được tổng hợp theo thứ tự: Giá trị kinh tế của rừng trồng, hỗ trợ từ các chương trình và/hoặc dự án về phát triển lâm nghiệp (cụ thể chương trình và/hoặc dự án), công tác QLBVR của các cơ quan chức năng (UBND xã, kiểm lâm) tốt hơn…
Qua đó cho thấy, diện tích rừng trên địa bàn các xã tăng lên chủ yếu là từ diện tích rừng trồng nhờ giá trị của rừng trồng hiện nay và được sự hỗ trợ lớn từ các chương trình dự án phát triển lâm nghiệp.
3. KẾT LUẬN
Kết quả đánh giá nguyên nhân biến động hiện trạng rừng giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn 28 xã lấy mẫu được lựa chọn trong 55 xã PRAP tỉnh Thừa Thiên Huế là luận cứ khoa học ban đầu để tìm nguyên nhân biến động hiện trạng rừng làm cơ sở xác định các giải pháp đưa vào kế hoạch hành động của tỉnh.
Diện tích rừng tự nhiên bị mất và suy thoái trong giai đoạn 2010-2015 chủ yếu là do phát triển cơ sở hạ tầng như mở các tuyến giao thông, xây dựng hồ thủy điện, thủy lợi; mặt khác, đời sống kinh tế người dân khó khăn, thiếu việc làm cũng là nguyên nhân làm suy thoái và mất rừng.
Giai đoạn 2010 – 2015 là giai đoạn có nhiều dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn nên diện tích rừng trồng có nhiều biến động, giá trị kinh tế của rừng trồng được khẳng định, tạo nên phong trào trồng rừng không chỉ trong các đơn vị lâm nghiệp nhà nước mà có cả tư nhân và người dân.
Hiện trạng rừng trồng trên địa bàn các xã biến động khá lớn đây cũng là nguyên nhân tăng diện tích rừng và mất rừng trong quá trình phân tích. Tuy nhiên kết quả giải đoán ảnh Landsat chưa phân biệt được diện tích rừng trồng chưa khép tán và đất trống có cây bụi, cây gỗ rải rác làm ảnh hưởng đến một số kết quả phân tích cũng như tìm ra các nguyên nhân biến động hiện trạng rừng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lã Nguyên Khang, Trần Quang Bảo (2014). Phân tích đặc điểm và nguyên nhân diễn biến tài nguyên rừng tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 1995-2014. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp. 2. Lã Nguyên Khang (2015). Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp thực hiện Chương trình REDD+, tại tỉnh Điện Biên. Luận án Tiến sĩ Lâm nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp. |
Trần Quốc Cảnh – Hồ Văn Lộc
Người phản biện: PGS.TS. Triệu Văn Hùng
Ngày nhận bài: Tháng 11/2018
Ngày phản biện thông qua: Tháng 11/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 11/2018