BVR&MT – Để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm gỗ đòi hỏi phải phát triển những cánh rừng trồng có chất lượng. Yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng gỗ rừng trồng chính là đảm bảo từ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.
Nhu cầu ngày càng cao
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản – chiếm 13%, tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Pháp…
Ở chiều ngược lại, giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2018 cũng tăng 6,27% so với năm 2017, đạt khoảng 2,3 tỷ USD; 11 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 596 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ cả nước. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Campuchia giảm 51,69% và Thái Lan giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các thị trường Malaysia, Chile, Brazil, Đức…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), sản lượng khai thác gỗ rừng năm 2018 đạt khoảng 27,5 triệu m3. Trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017, khai thác từ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu bản địa này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) đánh giá, hiện nay nhập khẩu gỗ có xu hướng giảm do việc tuân thủ các đạo luật về nguồn gốc gỗ nguyên liệu các quốc gia nhập khẩu đưa ra, các doanh nghiệp đang bắt đầu phát triển theo hướng bền vững hơn thông qua việc đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng cho chế biến xuất khẩu. Với mục tiêu của ngành chế biến gỗ năm 2019 xuất khẩu 11 tỷ USD, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang thực sự nằm trong “cơn khát” về nguyên liệu gỗ xuất xứ rừng trồng.
Kể từ khi Pháp lệnh Giống cây trồng và Quy chế quản lý giống được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện trong lĩnh vực này. Đây là thuận lợi cơ bản giúp các cấp, ngành chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động theo đúng quỹ đạo.
Ngành lâm nghiệp đã xác định để nâng cao giá trị gia tăng của ngành, 2 nhiệm vụ cơ bản được đặt ra là: Nâng cao năng suất rừng đạt bình quân 15 m3/ha/năm và đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất đạt khoảng 3,84 triệu ha.
Cùng với đó cần đưa tỉ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào SX lên 60-70% vào năm 2020, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng, góp phần đưa năng suất rừng trồng tăng 20% vào năm 2020 so với năm 2011.
Để thực hiện được hai nhiệm vụ cơ bản trên, việc ứng dụng KHCN trong lâm nghiệp và tăng cường công tác quản lý cần được đẩy mạnh, đặc biệt đối với lĩnh vực giống cây lâm nghiệp.
Phát triển mạnh KHKT về giống
Theo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất giống cây lâm nghiệp trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu chọn giống truyền thống với ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học gỗ, lâm sinh và sâu bệnh rừng; nghiên cứu ứng dụng với công tác khuyến lâm.
Các lĩnh vực ưu tiên tạo bước đột phá trong công tác giống cây lâm nghiệp là chọn lọc, lai tạo giống có định hướng, tạo đa bội và con lai tam bội bất thụ cho các loài cây trồng rừng chủ lực có diện tích trồng rừng lớn, tập trung vào chọn tạo giống phù hợp cho từng vùng trọng điểm, theo từng mục tiêu sử dụng và sức chống chịu cho từng loài nghiên cứu.
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay có 526 nguồn giống được công nhận tại 35/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 4.287,5 ha. Hiện nay, cả nước có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống (có đăng ký sản xuất kinh doanh).
Hằng năm các địa phương trong cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống phục vụ trồng rừng, trong đó cây gieo ươm từ hạt 500 triệu cây (chiếm 77%, gồm các loài chủ yếu như: Keo tai tượng, Thông mã vĩ, Hồi, Lát hoa, Quế, Mỡ, Lim xanh, Bồ đề, Sa mộc) và 150 triệu cây mô-hom (chiếm 23%, gồm: Keo lai, Bạch đàn lai, Bạch đàn u rô).
Cuối tháng 3/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong năm nay sẽ phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, rà soát và hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp, lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo yêu cầu bối cảnh mới của Luật Lâm nghiệp.
Đặc biệt tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt, tăng cường năng lực thiết kế, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam làm động lực tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong thời gian tới.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.