BVR&MT – Lào Cai được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng cho việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Sau gần 7 năm thực hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Kết quả thu tiền DVMTR: Tổng số tiền DVMTR thu từ năm 2012 đến tháng 9/2018 đạt 275 tỷ đồng. Trong đó: Cơ sở thủy điện: 263 tỷ đồng; cơ sở kinh doanh nước sạch: 4 tỷ đồng; kinh doanh du lịch: 7,5 tỷ đồng; cơ sở nuôi cá nước lạnh: 70 triệu đồng và cơ sở sản xuất công nghiệp: 470 triệu đồng. Dự kiến năm 2018 số thu đạt 98 tỷ đồng, so với KH được giao tăng 14%.
Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng thu tiền DVMTR đối với 5 loại đối tượng theo quy định tại Nghị định 99 của Chính phủ. Trong đó, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế và thực hiện chi trả thí điểm đối với 2 loại hình là: Nuôi cá nước lạnh và sản xuất công nghiệp. Đến nay Quỹ đã tổ chức tổng kết và có Báo cáo Bộ NN&PTNT về kết quả tổ chức thí điểm áp dụng, những kinh nghiệm và bài học trong quá trình triển khai, làm cơ sở cơ để nhân rộng trên toàn quốc.
Hiệu quả chính sách chi trả DVMTR
Tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng
Theo thống kê tổng nguồn kinh phí NSNN và tiền DVMTR đầu tư công tác BV&PT rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm 2012-2017 là 258 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chiếm 31%, còn lại nguồn tiền DVMTR chiếm 69% với xu hướng các năm về sau tỷ lệ tiền DVMTR chiếm ngày càng cao. Khẳng định việc triển khai chính sách đã đem lại những tín hiệu tích cực trong việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách góp phần bảo vệ cho trên 200.000 ha rừng tại địa phương.
Cùng với các các giải pháp khác, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm suy giảm số vụ xâm phạm, phá hại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn.
Cải thiện sinh kế người làm nghề rừng
Chính sách chi trả DVMTR được triển khai tạo ra một cơ chế tài chính mới, ổn định lâu dài đối với người làm nghề rừng. Năm 2017, mức chi trả TB của Lào Cai là 240.000đ/ha, có nhiều lưu vực có mức chi trả là 600.000đ/ha. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng, có những hộ thu nhập tiền DVMTR đạt 15 triệu – 20 triệu đồng/hộ/năm. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng. Từ đó góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng cao, biên giới…
Nguyễn Thanh Lĩnh – Quỹ Bảo vệ và PTR tỉnh Lào Cai