BVR&MT – Ngày 23-24/11/2018, tại thành phố Vinh, Nghệ An, dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực về Hợp đồng chi trả Giảm phát thải và chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ cho các đại diện của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Viện chính sách NN&PTNT và Ban quản lý dự án FCPF-2.
Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (2019-2025) là dự án cấp vùng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chi trả theo kết quả giảm phát thải khí nhà kính, đã được Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua tại cuộc họp các nước thành viên lần thứ 17 vào tháng 2/2018. Hiện Chính phủ Việt Nam đang có những chuẩn bị tích cực trước khi chính thức đàm phán Hợp đồng chi trả giảm phát thải với bên nhận ủy thác của FCPF là Ngân hàng Thế giới.
Tại buổi hội thảo các đại biểu tham gia được cung cấp các thông tin về Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, các điều khoản của Hợp đồng chi trả giảm phát thải và tiến trình đàm phán hợp đồng. Các đại biểu cũng có những ý kiến đóng góp về các điều khoản quan trọng của Hợp đồng chi trả, các ý kiến sẽ được tổng hợp và gửi tới Tổ đàm phán để có sự chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình đàm phán. Dự kiến Hợp đồng chi trả giảm phát thải sẽ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vào tháng 5/2019.
Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris và hoàn toàn phù hợp với các chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình hành động REDD+ quốc gia, Chương trình mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo. Theo tính toán, giai đoạn 2019-2025 Đề án sẽ giảm được 32,09 triệu tấn CO2e, trong đó giai đoạn thực hiện Hợp đồng chi trả giảm phát thải giai đoạn 2019 – 2024 giảm 26 triệu tấn CO2e. Hiện nay Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2e, phần còn lại Việt Nam có quyền bán cho các đối tác tiềm năng khác.
Lê Trang