BVR&MT – Là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, Sóc Trăng hiện có tới trên 400.000 người Khmer, chiếm 30,8% dân số của tỉnh, luôn được Đảng và chính quyền hỗ trợ, chăm lo đời sống.
Là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, Sóc Trăng hiện có tới trên 400.000 người Khmer, chiếm 30,8% dân số của tỉnh. Trong những năm gần đây, thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tỉnh đã và đang làm tốt việc hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đồng bào, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đẩy nhanh công tác xóa nghèo, cải thiện cuộc sống.
Nhờ vậy, đời sống đồng bào Khmer Sóc Trăng đã không ngừng phát triển, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng đang đổi thay nhanh chóng từng ngày.
Nhiều chính sách, hỗ trợ đã đi vào cuộc sống
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 85 xã, phường thị trấn có đồng bào Khmer. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đông đồng bào Khmer đã có đường cho xe ôtô đến trung tâm.
Không riêng vùng đồng bào Khmer, toàn bộ 775 ấp, khóm của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân. Tất cả các xã, phường, thị trấn cũng được phủ sóng phát thanh-truyền hình. Có điều kiện thuận lợi về hạ tầng cơ sở, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng càng phấn đấu phát triển kinh tế.
Đời sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng ngày càng phát triển, ổn định cuộc sống, người dân cũng tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.”
Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng có hơn 89% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; gần 14% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị; hơn 85% số xã, phường có nhà văn hóa và hơn 88% số khóm, ấp có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
[Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt với đồng bào Khmer]
Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer luôn được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào Khmer luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Các di tích văn hóa, lịch sử cũng có điều kiện để quan tâm bảo tồn, bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống được giữ vững.
Về công tác giáo dục, những năm qua, ngành giáo dục Sóc Trăng đã triển khai các biện pháp huy động học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 98.386 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó học sinh dân tộc Khmer là 84.261 em, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp đều cao. Toàn tỉnh có 246 trong tổng số 523 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 47%.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội truyền thống luôn được duy trì theo phong tục tập quán đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao và cải thiện đời sống tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.
Theo Thượng tọa Lý Minh Đức, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có hơn 85% số ngôi chùa (trong tổng số 92 ngôi chùa Khmer) được tôn tạo, 65 tụ điểm văn hóa tại chùa Khmer, hai chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tám chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Các điểm chùa đều là những tụ điểm văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân, cũng là nơi truyên truyền các chính sách, học tập, chuyển giao khoa học, kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng, chăn nuôi, sản xuất…
Từ các chương trình mục tiêu cũng như mô hình hỗ trợ, nhiều hộ dân Khmer Sóc Trăng đã vươn lên thoát nghèo và hướng tới thoát nghèo bền vững thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Những mô hình đang được thực hiện có hiệu quả, nổi bật nhất phải kể đến mô hình nuôi bò sữa tại các xã Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Tài Văn, Viên An (huyện Trần Đề), mô hình nuôi tôm nhờ hỗ trợ con giống tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên… đã đem lại hiệu quả cao.
Nhiều hộ gia đình Khmer, từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bản thân nên nay đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định như gia đình ông Lý Nhiêm, ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị vừa thoát nghèo trong năm 2018 nhờ được dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, các thành viên trong gia đình đi làm công nhân, có thu nhập ổn định. Hay ông Thạch Hiền ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm, trồng màu… nay đã có cuộc sống khá giả.
Trung bình mỗi năm, Sóc Trăng đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động, giải quyết cho từ 25-30 ngàn người có việc làm, giảm được 2-3% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3-4%. Năm 2018, toàn tỉnh đã giảm hơn 8.000 hộ nghèo, trong đó hơn 5.000 hộ là đồng bào Khmer thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng hiện chỉ còn hơn 8%, trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo trong đồng bào dân tộc còn 12%.
Đón tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui lớn
Cuộc sống ấm no thấy rõ từng ngày, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng phấn khởi, vui tươi trước thềm Tết đón năm mới. Trong những ngày này, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đang bắt đầu đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Tết của đồng bào Khmer diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14-16/4. Nhưng việc chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho Tết đã diễn ra từ nhiều tuần qua. Đồng bào, sư sãi Khmer Sóc Trăng càng vui mừng hơn khi được lãnh đạo các cấp của Đảng và nhà nước tới chúc mừng, thăm hỏi động viên tặng quà…
Đặc biệt, ngày 6/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi tỉnh, thăm chúc, tặng quà các vị Hòa thượng, thượng tọa, sư sãi và bà con Phật tử đồng bào Khmer trong tỉnh, Thăm chúc Tết tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ; dâng hương tại Chùa Khleang (Sóc Trăng).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các vị chư tăng và đồng bào Khmer đã luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Thủ tướng mong rằng các chư tăng phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng lao động, sản xuất; xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết, gắn bó trong nội bộ và đoàn kết dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước với mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Trước đó, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã đến thăm và chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào dân tộc Khmer.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Hội Đoàn Kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cùng các vị Hòa thượng, Đại đức, Sư sãi, Achar tiếp tục vận động đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động; tập trung tuyên truyền Luật tín ngưỡng tôn giáo và thể hiện vai trò tích cực là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục vận động nhân duy trì, gìn giữ bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer; tích cực lao động sản xuất, quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học vấn, động viên con em chăm chỉ đến trường…
Để đồng bào Khmer đón tết vui tươi, an lành, trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã liên tục tổ chức các đoàn đến thăm, chúc tết, tặng quà cho đồng bào Khmer, gia đình chính sách, hộ nghèo, thăm viếng tặng quà ở 92 ngôi chùa Khmer. Các cấp, ngành địa phương đã họp mặt người có uy tín, chức sắc tôn giáo, chúc tết, tặng quà; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ, quyên góp, tổ chức nhiều đợt trao nhà, trao quà; tổ chức các hội thi, hội thao văn hóa, văn nghệ mừng năm mới…
Với chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng mà đời sống người dân Khmer đã có sự tiến bộ. Nhiều hộ đã áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, làm ăn có hiệu quả, trình độ dân trí được nâng cao.
Có được chính sách quan tâm, đãi ngộ tốt, đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn phấn khởi, tin tưởng và đoàn kết, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển quê hương, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt.