Ngày 9/4, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) và Big C Việt Nam – Một thành viên của Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại của Big C Việt Nam cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Hơn 200 HTX đã tham dự Hội nghị.
Lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân phối bán lẻ, HTX nông nghiệp cùng nhau trao đổi thảo luận về: Cơ chế chính sách về HTX và liên kết tiêu thụ sản phẩm; xu hướng tiêu thụ sản phẩm của Big C Việt Nam; kinh nghiệm tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống Big C Việt Nam của một số HTX nông nghiệp…, qua đó, tiến tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Con số hơn 200 HTX tham dự Hội nghị chứng tỏ nhu cầu liên kết của HTX với chuỗi bán lẻ hiện đại nói chung và Hệ thống siêu thị Big C nói riêng là rất lớn.
Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Hội nghị kết nối sản phẩm nông sản của HTX với hệ thống siêu thị Big C sẽ giải quyết được nhu cầu từ cả hai phía, HTX và doanh nghiệp bán lẻ. Theo đó, DN có nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được số lượng để cung cấp cho người tiêu dùng trên cả nước, trong khi đó, HTX mong muốn có đầu ra ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Ông Nam khẳng định, trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm thì vai trò của HTX và doanh nghiệp là cầu nối quan trọng để nông dân và hộ gia đình có thể tiếp cận được với thị trường. Nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chương trình hành động cụ thể như: Phát triển 15 nghìn HTX nông nghiệp hiệu quả; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về liên kết sản xuất.
Đánh giá cao về thông tin Siêu thị Big C sẽ thực hiện mức chiết khấu 0% đối với các HTX, hộ nông dân khi cung cấp vào hệ thống siêu thị, thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, DN và HTX phải thỏa thuận được điều này, HTX và DN phải tiến tới ký kết các hợp đồng, thống nhất để có thỏa thuận đưa hàng vào siêu thị. Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu, ông Nam yêu cầu Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả sau 3-6 tháng triển khai, trên cơ sở đó, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Khuyến nông xây dựng đề án nhân rộng mô hình nhằm từng bước nâng tầm liên kết theo đúng Nghị định 98. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, đặc biệt là xu hướng nông nghiệp hữu cơ đang phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu từ phía DN phân phối.
Giám đốc Big C Thăng Long – ông Khúc Tiến Hà – cho biết, với chiến lược địa phương hóa, người địa phương được trao quyền điều hành trực tiếp kinh doanh và các sản phẩm bày bán ở siêu thị cũng được Big C thu mua tại khu vực lân cận nơi Big C đặt cửa hàng. Kết quả, ngành hàng Việt Nam đã chiếm 96% tỷ trọng hệ thống của siêu thị. Với mong muốn góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, xây dựng thương hiệu và nâng tầm nông sản Việt…
Big C luôn sẵn sàng, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các hộ nông dân và các HTX nông nghiệp trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, phát triển thị trường xây dựng thương hiệu bằng những hành động cụ thể như thu mua trực tiếp nông sản của các hộ nông dân, HTX với mức chiết khấu là 0%; Big C thường chọn lọc các mặt hàng phù hợp với các cửa hàng để đưa vào hệ thống bán lẻ trên toàn quốc của Big C… Hiện đã có 40 HTX đã có sự liên kết với Big C. Trong năm 2018, có những HTX có doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/tháng. Tại hội nghị, vấn đề làm thế nào để đưa nông sản vào Big C cũng được các HTX đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, Bà Phạm Thị Thùy Linh – Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C – cho biết: Quy trình vào hàng Big C gồm 5 bước: Duyệt hồ sơ; đàm phán và ký kết hợp đồng; BigC tạo dữ liệu HTX và hàng hóa lên hệ thống; đặt hàng và giao hàng. Hồ sơ nhà cung cấp gồm: Đăng ký kinh doanh; thông báo tài khoản ngân hàng; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng; các giấy chứng nhận khác nếu có; báo giá và hàng mẫu. Sau khi HTX cung cấp hồ sơ cho bộ phận thu mua của Big C. Sau khi hồ sơ được duyệt, bộ phận thu mua sẽ đến tận HTX để kiểm tra, theo ghi nhận của bà Linh, các HTX thường bị thấp điểm ở khâu sơ chế, thậm chí khu sơ chế ngay cạnh khu sinh hoạt. Phía Big C, sẽ có thông báo đến HTX hồ sơ đạt điểm A, B, hay C. Nếu HTX đạt điểm A, B thì sẽ làm các thủ tục tiếp theo để có thể đưa hàng vào siêu thị. Đại diện Hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi , chuyển dịch không nhỏ trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại. Cụ thể, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sản phẩm bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem nhãn của nhà nước; sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm mùa vụ; sản phẩm nông sản sản xuất trong nước bắt đầu có xu hướng lấn sát các sản phẩm nhập ngoại; sản phẩm nông sản hữu cơ. Đây cũng là định hướng dành cho các HTX để phát triển và quy hoạch sản xuất trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc, hợp tác tiêu thụ nông sản giữa Big C Việt Nam và các hợp tác đã đáp ứng đầy đủ những quy trình, quy chuẩn về hàng hóa để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.