BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của địa phương này đạt 10.896 tỷ đồng, tăng 882 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng phát triển khá ổn định. Tình hình kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi được bảo đảm chặt chẽ. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cũng đạt 1.152 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Những năm gần đây, nhờ việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên tỉnh Đồng Tháp đã thu được hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Với phương châm “hợp tác, liên kết, thị trường”, lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản là con đường ngắn nhất để tăng thu nhập cho nông dân, tỉnh Đồng Tháp đã chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt. Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho người sản xuất.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, khi thực hiện Đề án nói trên đã có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân, xem trọng chất lượng nông sản, lợi nhuận, giá thành sản phẩm hơn là năng suất, sản lượng; có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, tốc độ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp diễn ra nhanh chóng từ chỗ có đến 69% nay chỉ còn 53% trong tổng lao động xã hội. Trong quá trình tái cơ cấu, Đồng Tháp luôn xác định rõ khoa học công nghệ là động lực cho tăng trưởng. Đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thực hành tốt, triển khai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong ngày 19/4/2019, Đồng Tháp sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ. Đây được xem là cơ hội mới cho ngành hàng trái cây, cũng là dịp để ngành nông nghiệp tỉnh nhìn nhận lại về quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị, các ngành liên quan của tỉnh nên thống kê lại các mô hình, xem mô hình nào có tính ưu việt, từ đó phân loại và đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Sắp tới, ngành nông nghiệp của tỉnh phải phối hợp với các địa phương để có giải pháp nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản nhiều hơn nữa. Theo đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp không phải là sản lượng mà là cải thiện thu nhập của người nông dân.
Được biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, có thể khẳng định Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách, đó là việc điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học – công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay…