BVR&MT – Là một trong những loài động vật lớn nhất trên trái đất hiện nay – một người bạn lớn của chúng ta – nhưng voi cũng đồng thời là loài đang bị săn bắn và giết hại nhiều trên khắp thế giới. “Thủ phạm” không ai khác ngoài sự mù quáng và thiếu hiểu biết của chính con người đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã, sự lừa bịp chuyên nghiệp và tinh vi của các con buôn cùng sự lơ là của cơ quan chức năng các cấp.
Bài liên quan:
Thủ phủ voi tràn lan ngà lậu – Bài 1: Những chiếc ngà trắng trên thị trường đen
Thủ phủ voi tràn lan ngà lậu – Bài 2: Chợ thật chợ ảo đều sôi động
Bạt ngàn các lời quảng cáo trên internet rao giảng về “bùa chú” của các đồ trang sức làm từ ngà voi có thể hút phong, xua đuổi tà khí, hộ mệnh, mang lại bình an, hút tài lộc… nên không ít khách hàng bị mắc bẫy, thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để sở hữu các món đồ trang sức bằng voi với giá “trên trời”. Mấy ai biết rằng đằng sau những lời đồn thổi vô căn cứ đó là hình ảnh thương tâm của hàng chục nghìn con voi bị giết mỗi năm chỉ để lấy ngà và cũng mấy ai biết đằng sau những sản phẩm tưởng chừng xa xỉ, cao sang ấy là những thế lực đen tối, những đường dây ngầm, những con buôn ngày đêm móc nối với nhau, tạo thành lực lượng buôn lậu hùng hậu len lỏi khắp mọi ngóc ngách trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, thực trạng đau xót mà phóng viên bảo vệ rừng và môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã mất nhiều tháng ngày với bao gian nan vất vả, hiểm nguy để điều tra và phát hiện “vấn nạn” đau xót ấy không chỉ diễn ra ở Đắk Lắk hay thành phố du lịch Đà Lạt hay Sài Gòn hoa lệ mà ẩn hiện ở rất nhiều tỉnh, thành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trở lại Đà Lạt – nơi từng được coi là điểm nóng về buôn bán ngà voi, dễ nhận thấy sau các đợt truy quét của lực lượng chức năng, việc mua bán các sản phẩm làm từ ngà voi không còn hiện diện công khai như trước mà ẩn trong những tiệm vàng, trang sức.
Ngẫu nhiên khảo sát 5 cửa hàng vàng bạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chợ trung tâm Đà Lạt và Thương xá La tulipe, kết quả khá bất ngờ là cửa hàng nào cũng bán các sản phẩm từ ngà và lông đuôi voi. Trong đó, tại tiệm vàng H.K, người bán hàng cho chúng tôi xem mặt dây chuyền chạm hình Phật quan âm nạm vàng, còn ở Dinh III Bảo Đại, một cửa hàng bán đồ trang sức và lưu niệm nghiễm nhiên đề biển “nhẫn lông đuôi voi” và cam kết chỉ bán lông đuôi thật.
Đến TP.HCM, các tiệm vàng bạc tiếp tục là điểm ngắm của chúng tôi. Tại tiệm Ngọc T. ở ngay Trung tâm thương mại An Đông, Quận 5, nữ nhân viên giới thiệu cả mớ nữ trang được chế tác từ ngà voi và khẳng định khách muốn đặt mẫu nào cũng được, chỉ cần gửi hình và hẹn ngày tới lấy.
Gian hàng đầu tiên ở cổng Tây chợ Bến Thành cũng thậm thụt bán các loại vòng ngà và bà chủ N. không quên quảng cáo thêm: “Vòng ngà này trừ được tà, ổn định huyết áp, mang trên người rất tốt cho sức khoẻ”… nhưng “bán ở đây phải cất giấu kỹ chứ sợ quản lý thị trường họ bắt”.
…
Rất nhiều tư liệu tương tự đã được chúng tôi ghi lại tại những nơi đã nhập vai, khảo sát và thật đau xót khi nhận ra rằng thế giới ngầm buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã quá lớn, quá dễ dàng để có thể mua những món đồ được làm từ “răng voi”, lông voi, thậm chí cả khúc ngà nguyên khối.
Cần nhấn mạnh là việc bày biện và buôn bán các sản phẩm từ ngà, dù là giả, cũng phải bị lên án và xử lý bởi vô hình trung nó gieo rắc niềm tin mù quáng vào tâm lý của những khách mua hàng về thứ công dụng “trời ơi đất hỡi” của ngà voi.
Ông Khăm Phết Lào, con trai của “vua voi” Ama Kông – người thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng Việt Nam – cho biết: “Trước đây, thời ông nội mình, kẻ nào giết voi lấy ngà mà bị cộng đồng phát hiện thậm chí còn bị tử hình”. Cũng theo ông, chính sự thôi thúc của một bộ phận khách hàng “sính” ngà khiến voi bị giết nhiều tới vậy.
Trao đổi về thực trạng đáng buồn này, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Môi trường (C49), Công an TP. HCM cho hay: “Hiện nay, thực tế nhìn bằng mắt thường thì thấy thị trường khá nhiều sản phẩm từ ngà voi nhưng nó nhỏ lẻ chứ không nhiều như một số nơi khác lên đến hàng tấn, hàng tạ từ châu Phi về. Trước đây, Phòng có phối hợp với Hải quan Tân Sơn Nhất bắt được hai cặp ngà voi nặng mấy chục ký, hiện vẫn để ở kho”.
Khi xem qua những tư liệu do nhóm PV cung cấp tại các khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông, khu phố An Bình…, lãnh đạo Phòng thừa nhận: “Thông tin từ phía anh em hiện mình đã báo cáo lãnh đạo và đang xác minh, chủ yếu là xác minh nguồn nhập khẩu và các cửa hàng, một số chỗ chế tác nguyên liệu từ ngà voi là có nhưng thực tế số lượng không nhiều”.
Nói về lý do không thể sát sao mảng buôn bán động vật hoang dã nói chung, sản phẩm từ động vật hoang dã nói riêng, vị lãnh đạo khẳng định đơn vị rất ghi nhận các thông tin tố giác được các bên chuyển tới nhưng “anh em chỉ có 3 người nên xử lý không kịp. Nhiều khi các em nói sao mình không làm, mình chê nhỏ hay bảo kê gì đây nhưng thực ra không có người mà làm. Làm không xuể”, chưa kể Phòng phải kiêm nhiệm một số lĩnh vực môi trường khác như khai thác cát, ô nhiễm môi trường…(?!).
Bất ngờ nhất là tại Đắk Lắk, nhóm phóng viên sau khi chia sẻ thông tin với lực lượng Công an tỉnh với những hình ảnh, địa chỉ, đối tượng buôn bán rõ ràng thì gần một tháng sau nhận được phản hồi của lực lượng chức năng là: “đã kiểm tra mấy điểm, toàn hàng giả nhưng chưa giám định được nên không thể bắt” (?!).
Những câu trả lời thật quen thuộc và tất cả vẫn chỉ dừng ở đó!
Văn Hoàng