BVR&MT – Nói Việt Nam là điểm nóng buôn bán lậu ngà voi quả không sai bởi ở bất cứ đâu, khách hàng cũng dễ dàng đặt mua các sản phẩm được chế tác từ ngà.
Sau nhiều ngày theo dõi, mật phục và khoác lên mình bộ mặt của những con buôn, Nhóm phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã ghi nhận được rất nhiều tư liệu về thị trường buôn bán ngà lậu đang diễn ra rất sôi động tại Đắk Lắk, TP. HCM và Lâm Đồng.
Những chiếc ngà trắng trên thị trường đen
Buôn Ma Thuột những ngày đầu tháng 3 khá nhộn nhịp bởi nơi đây đang tất bật chuẩn bị cho tuần lễ hội cà phê Tây Nguyên. Ngoài sự hiện diện của các quan chức chính phủ và cả khu vực Tây Nguyên cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng lễ hội, một điều không thể thiếu và không thể thay thế là sự hiện diện của những chú voi.
Với sự hiền lành và thông minh của mình, voi đã thật sự trở thành người bạn lớn của tất cả chúng ta. Riêng với đồng bào Tây Nguyên, voi còn như một thành viên thân thiết trong gia đình, buôn làng, thậm chí voi được đặt tên, cúng rước và thờ phụng. Tuy nhiên, không ít người chỉ vì nguồn lợi bất chính trước mắt hoặc tin vào những lời đồn thổi vô căn cứ đã ra tay sát hại những “người bạn lớn” để tận thu ngà, lông, da, xương… voi hòng kiếm lợi.
Chỉ trong ít ngày ghé tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trong vai khách du lịch, Nhóm phóng viên dễ dàng tiếp cận được nhiều cửa hàng bán các món đồ làm từ ngà voi như vòng tay, nhẫn, vòng đeo cổ, các hình tượng phật, tượng 12 con giáp, lược ngà, bút viết…, thậm chí có chủ hàng còn bê ra cả khúc ngà nặng hơn 2,2 kg để chào mời với mức giá hàng trăm triệu đồng.
Được giới thiệu đến một quán cà phê trá hình mang tên Ve Chai trên đường Y Ngông, Nhóm lập tức được chủ hàng giới thiệu nhiệt tình các sản phẩm. Quán khá cũ và thực chất là một cửa hàng chuyên bán sỉ đồ mỹ nghệ, đặc biệt là ngà voi. Khi phóng viên có mặt tại cửa hàng, tứ bề đều được gắn camera giám sát, hoạt động mua bán đang diễn ra khá sôi nổi, nhiều khách đang tìm hiểu và trả giá những món đồ được làm từ voi và nhiều loại động vật khác. Nếu chưa bước vào thì ít ai có thể tưởng tượng đây lại là ổ buôn bán lậu các sản phẩm từ động vật hoang dã, nó cũ kỹ, mờ nhạt, không có dấu hiệu nào là đang hoạt động. Bên ngoài, chiếc ô tô đậu tại cửa cũng vô tình làm bình phong che chắn cho những hoạt động bất chính bên trong.
Theo quan sát của nhóm, ngôi nhà khá rộng, xung quanh bày la liệt đầu lâu, xương thú. Giữa phòng khách, một thanh niên trẻ tuổi đang cặm cụi đo bán kính của từng chiếc vòng ngà voi đựng trong túi nilon trắng to. Anh ta là khách đến mua sỉ. Phía tay phải, một kệ kính bán đồ trang sức, vàng bạc được biện bày, trong đó có rất nhiều loại trang sức, lưu niệm được làm từ ngà voi, chưa kể phía bên trong còn tới hàng nghìn sản phẩm với nhiều rổ lớn rổ nhỏ đầy ắp vòng tay, nhẫn ngà.
Chúng tôi đòi xem các loại “món” để làm quà tặng, chủ quán V. trưng hết ra và giới thiệu rồi luôn miệng cam kết hàng “xịn” từ ngà voi. V. khẳng định: “Các anh mua nhẫn, vòng ngà voi ở đây, kể cả sau khi đã dùng 3 – 4 năm mà ai phát hiện ra nó là hàng rởm thì quay lại đây, em đền mỗi vòng 100 triệu, đền thêm cả cái ô tô, cả quán”.
Quả thật, khó có thể tin đại bản doanh ngà voi ở đây là hàng giả bởi từ các miếng ngà đeo cổ hay các khúc ngà to dùng để khắc dấu, triện, các mặt ngà lớn để trang trí, trưng bày, lưu niệm…, tất cả đều rất nặng và được chuyên gia đi cùng nhóm xác nhận là hàng thật. Đó là chưa kể tới hàng rổ vòng, nhẫn đủ loại hình dạng, mẫu mã mà V. bê ra cho chúng tôi chọn.
Trong số hàng ngàn sản phẩm tại cửa hàng, có những vòng ngà to và nặng đến mức ít người có thể đeo được nhưng V. khẳng định “nhiều người thích lắm, họ vẫn đeo đấy”. Rồi V. khoe “một ngày, riêng bán qua mạng đã được hơn 40 đơn”. Thấy chúng tôi còn lăn tăn chất lượng, V. vừa kết thúc cuộc điện thoại với khách vừa nói, “mình chuyên bán buôn, bán lẻ chỉ qua mạng, chứ khách lẻ đến mua hàng như anh chị thì ít”.
Hóa ra cuộc điện của V. đến từ một hướng dẫn viên du lịch, hai bên hẹn sẽ dẫn/đón đoàn khách tới mua hàng trong hôm nay. Nói rồi V. quát nhân viên dọn dẹp, sắp xếp hàng hóa chờ tiếp khách.
Khu du lịch Buôn Đôn cũng bán… ngà voi
“Chú voi con ở bản Đôn” là câu hát mà hầu như tất cả em bé, người lớn nào ở Việt Nam đều biết đến hoặc từng nghe qua, nhưng giờ tới bản Đôn, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, bạn sẽ không bao giờ còn bắt gặp những hình ảnh trong sáng, hiền hòa như vậy nữa. Thay vào đó, nơi đây đã ít nhiều trực tiếp hoặc gián tiếp nhuốm máu không biết bao nhiêu chiếc ngà trái phép. Ngay cả nhân viên bán vé tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn cũng sẵn sàng chào khách mua ngà.
Định bụng ghé vào Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn xem hoạt động thực hư ra sao, thật bất ngờ là ngay từ cổng soát vé, nhóm đã được H., nhân viên bán vé tham quan dò hỏi và chào hàng. H. mặc đồng phục, đeo thử và tự giới thiệu mình là nhân viên của Trung tâm du lịch Buôn Đôn. Sau vài câu xã giao, vợ chồng H. đã niềm nở khoe hàng, thậm chí, H. còn bật đèn pin từ điện thoại để “dạy” khách cách phân biệt ngà voi thật và ngà voi giả.
Theo H., hàng giả làm từ xương hoặc nhựa, giá rẻ, chỉ vài chục nghìn một cái nhẫn hay vòng đeo tay, chiếc nào lớn nhất, giá cũng không quá một, hai trăm nghìn. Đồ giả thì không sợ ai kiểm tra, bắt bớ, tịch thu hay xử lý nên H. và các gian hàng tại đây đều bày thành từng đống màu trắng trong tủ kính, có khi để cả rổ trên mặt quầy cho khách chọn. Nhưng hàng thật thì phải giấu kín, kỹ để tránh bị công an, cảnh sát môi trường bắt hoặc tránh bị ăn trộm vì giá “chợ đen” mỗi vòng tay cũng lên đến vài triệu hoặc chục triệu đồng.
Khi thấy khách tỏ rõ thiện chí là rất muốn mua, vợ chồng H. xách ra một túi thổ cẩm, bên trong có những túi nilon chứa đầy vòng và nhẫn. Từng túi được đổ lên bàn cho khách xem, trên bàn làm việc của H. vẫn còn gói bưu kiện đang chuẩn bị chuyển qua đường bưu điện cho một khách hàng ở cửa hàng Viettel thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, trên bì ghi đủ địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi và người nhận.
Vợ chồng H. còn cam kết nếu khách mua vòng tay mà không đem được lên máy bay thì họ sẵn sàng đền bù sản phẩm khác với giá tương đương hơn 5 triệu đồng. Vợ chồng H. luôn miệng cam kết vì họ đã bán rất nhiều năm và đã chuyển cho khách rất nhiều lần. Chồng H. còn khoe từng về quê và mang theo cả nắm vòng lên máy bay để về bán cho người ở quê mà chẳng gặp vấn đề gì.
Khi đã tạo được mối quen, hai vợ chồng còn gửi qua mạng xã hội hình ảnh cả khúc, thậm chí cả chiếc ngà to lớn mà theo H. trị giá lên đến mấy trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ bạc.
“Hàng nào cũng có, to, bé có cả. Đặt hàng là có. Vấn đề chỉ là các anh có nhu cầu không và có đồng ý với hàng chúng tôi gửi qua zalo hay không thôi” – vợ chồng H. viết kèm khi gửi ảnh.
Thậm chí, H. còn khoe là vừa nhận bán một ngà dài gần 1,6m, giá tiền tỉ, khách đã đặt cọc nhưng chưa dám chuyển vì đang đúng dịp lễ hội cà phê. Các chủ hàng đều “thì thầm” cùng một nội dung: Mua nhẫn, vòng, các đồ chế tác thì được. Còn mua miếng ngà, khúc ngà hay cả cái ngà thì phải chờ ít ngày nữa. Vì đợt này các cơ quan chức năng đang ra quân.
(Còn nữa)
Văn Hoàng