(Trực tiếp): Sự kiện “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 6

BVR&MT – Tiếp nối thành công của sự kiện “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 5, sáng 30/03/2019 đã diễn ra sự kiện “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 6. 

Sự kiện do Cơ quan báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường phối hợp cùng UBND Thành phố Châu Đốc (An Giang), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC – Bộ Thông tin và Truyền thông), với sự tham gia của TS. Mộc Quế, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà hảo tâm đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và tỉnh An Giang cùng phối hợp thực hiện nhằm hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường và Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động.


Phóng viên Báo
  Bảo vệ Rừng và Môi trường tường thuật trực tiếp tại sự kiện:

5h00′: Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, mỗi thành viên đều bày tỏ niềm hứng khởi trước giờ xuất phát.

Với 45 xe, cùng khoảng 160 thành viên tham dự, “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 6 là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay.
Công tác chuẩn bị chu đáo và khẩn trương.

Đoàn xe phân khối hộ tống và dẫn Đoàn.
Ban tổ chức hướng dẫn Đoàn trước giờ khởi hành.

Đúng 5h30′: Đoàn làm lễ xuất phát tại huyện Ủy Bình Chánh, đường Tân Túc, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức trịnh trọng làm Lễ xuất phát.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng TT Phía Nam Cơ quan báo chí Bảo vệ Rừng và Môi trường,  – Trưởng BTC chúc Đoàn một hành trình vui vẻ, an toàn, ý nghĩa với nhiều ấn tượng khó quên.
Thời tiết không mưa,  bầu trời trong vắt, ánh nắng chan hòa đem đến tâm thế thoải mái và hứng khởi với các thành viên Đoàn trên hành trình về với Thành phố Châu Đốc – An Giang.

5h35′: Đoàn xe lăn những bánh đầu tiên trên cung đường tuyệt đẹp của huyện Bình Chánh, TP. HCM.

Đoàn xe chạy nối nhau dài vài km, việc duy trì khoảng cách và đảm bảo an toàn tuyệt đối là nhiệm vụ đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tập trung cao độ của “Ban cung đường” Sự kiện và cũng là yêu cầu gắt gao của Ban Tổ chức.

6h30′: Đoàn xe di chuyển trên cung đường của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước đó là tỉnh Mỹ Tho). Huyện nằm ở giữa tỉnh Tiền Giang, phía nam là con sông Tiền, phía đông là thành phố Mỹ Tho, đông bắc là huyện Chợ Gạo, phía tây là huyện Cai Lậy, phía bắc là huyện Tân Phước.

Đây cũng là địa phương có Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua đang được xây dựng.

8h00′: Đoàn xe trải bánh trên Cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi cầu được khánh thành, từ những năm 1935, người dân hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang phải qua lại bằng phà. Đi lại mất rất nhiều thời gian và không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân nơi đây. Ngoài ra, những giờ cao điểm thì dễ xảy ra tình trạng ùn tắt giao thông kéo dài.
Sau khi hoàn thành tháng 05 năm 2000, cầu Mỹ Thuận giúp nối kết Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung gần gũi hơn, kết nối trực tiếp với thành phố mà không cần phải qua bằng đường thủy. Tạo điều kiện phát triển kinh tế, ngoại giao cho nơi đây.

9h00′: Nối tiếp cầu Mỹ Thuận, cây cầu lớn thứ 2 trên cung đường được Đoàn “chinh phục” chính là Cầu Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m), được xây dựng bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.
Cầu Cần Thơ giúp thời gian vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL lên thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận sẽ nhanh hơn, tươi sống hơn và giá rẻ hơn, xuất khẩu được nhiều hơn, đồng thời chi phí vận chuyển giảm sẽ kéo theo giá thành sản phẩm giảm và tăng khả năng cạnh tranh.

13h45′: Đoàn xe “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 6 chính thức trải bánh trên cung đường thành phố Chấu Đốc, tỉnh An Giang.

Lực lượng CSGT Công an Thành phố Châu Đốc hỗ trợ dẫn Đoàn.
Pano, áp phích tuyên truyền cho sự kiện được trang hoàng trên đường phố chính của Châu Đốc.

15h00′: Đoàn Nhà báo và Doanh nhân tham quan, trải nghiệm kết hợp dâng lễ cầu an dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 tại cụm di tích – danh thắng núi Sam bao gồm lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu bà Chúa Xứ An Giang.

Sơn Lăng là một tên gọi khác của lăng Thoại Ngọc Hầu, được Thoại Ngọc Hầu chọn làm nơi để yên nghỉ cuối cùng của mình. Lăng được đặt nằm ở dưới chân núi Sam, kế bên quốc lộ 91 ngày nay thuộc xã Vĩnh Tế, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Thoại Ngọc Hầu có tên thật là Nguyễn Văn Thoại – một vị tướng nổi tiếng ở triều Nguyễn được triều đình cử đi khai phá và trấn giữ vùng đất An Giang. Ông sinh 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam và được phong tước Ngọc Hầu. (Trong ảnh: Hành trình Đoàn viếng thăm và dâng hương Lăng Thoại Ngọc Hầu)
Năm Kỷ Sửu (1829), tuổi cao, sức yếu, Thoại Ngọc hầu rồi cũng đến lúc về với tiên tổ. Công lao phò vua dựng nước, kiến thiết cơ nghiệp nhà chúa của ông, được sử nhà Nguyễn ghi nhận là “Thụy cầm cương giàn ngựa đi theo hầu vua, nên được tri ngộ, lại bôn ba con đường thượng đạo, qua lại các nước Xiêm, Lào, Lạp man, thực là có công”.
Đoàn Nhà báo và Doanh nhân tham quan Khu di tích.

15h30′: Đoàn thăm viếng và dâng hương cầu an tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Di tích này tọa lạc nơi chân núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc.

Miếu Bà Chúa Xứ là một di tích (lịch sử, kiến trúc và tâm linh) quan trọng của tỉnh An Giang và của khu vực.
Việc thờ cúng Bà Chúa Xứ được xem là trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Hàng năm Di tích đón hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan và chiêm bái.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, và được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001. (Trong ảnh: Các thành viên Đoàn chụp hình lưu niệm tại Miếu bà Chúa Xứ)

19h00′: Chương trình Gala Dinner – Giao lưu Báo chí và Doanh nghiệp với chủ đề:  “Thành phố Châu Đốc – Điểm đến của các kỷ lục” do Cơ quan báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường phối hợp cùng UBND Thành phố Châu Đốc (An Giang), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC – Bộ Thông tin và Truyền thông), với sự tham gia của các Hội doanh nghiệp, doanh nhân chính thức diễn ra tại trụ sở UBND Thành phố Châu Đốc.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng chương trình.

19h30′: Phát biểu tại chương trình, ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Châu Đốc nhấn mạnh: “Thông qua sự kiện hôm nay lãnh đạo thành phố mong muốn rằng, thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường – Vì sự sống của con người và thiên nhiên” chính là chủ đề để tất cả chúng ta hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất 2019. Hãy hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện ít nhất một tiếng đồng hồ để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất và bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta”.

Cùng với đó, ông Trần Quốc Tuấn cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Cơ quan báo chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA và các đơn vị đã đồng hành, phối hợp thực hiện Sự kiện “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường” lần thứ 6 tại Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Châu Đốc phát biểu tại Chương trình.

Ngay sau lời kêu gọi của lãnh đạo UBND thành phố Châu Đốc, sự kiện “Tắt đèn hưởng ứng giờ Trái đất 2019” cũng đã diễn ra với sự tham gia của các Đại biểu, Nhà báo, Doanh nhân có mặt tại chương trình.

“Tắt đèn hưởng ứng giờ Trái đất 2019”.

Cũng tại Chương trình, nhiều tiết mục văn nghệ, giao lưu, luận đàm giữa Nhà báo, Doanh nhân và Chính quyền TP. Châu Đốc cũng đã diễn ra sôi nổi, góp phần làm nổi bật giá trị  mà chủ đề chương trình hướng tới: “Thành phố Châu Đốc – Điểm đến của các kỷ lục”.

Ban phóng viên