BVR&MT – Biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Hà Giang, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Giang cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ngày 15/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo của tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2012 – 2018, Hà Giang nhận được các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện, xã đặc biệt khó khăn. Việc triển khai lồng ghép các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, thoát nghèo bền vững.
Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho công tác giảm nghèo hạn chế, việc huy động nguồn lực tại chỗ đạt thấp. Để triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện công tác giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực cho các huyện, xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả đã được nhân rộng trên địa bàn, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất với Trung ương cần có giải pháp đột phá về huy động nguồn lực đầu tư và định mức hỗ trợ cho các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Bổ sung vốn đầu tư và mở rộng chương trình xây dựng hồ treo chứa nước cho 4 huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho đồng bào. Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về nhà ở, nước sinh hoạt; bổ sung một số chính sách mới mang tính đặc thù đối với các huyện nghèo khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang có tính tới yếu tố an ninh quốc gia, cần thiết có một mức trợ cấp thường xuyên ổn định cho dân cư biên giới…
Tại buổi làm việc, biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Hà Giang, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Hà Giang cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Tỉnh cần lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững; đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền để phù hợp với văn hóa, trình độ, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Hà Giang cần nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh việc nêu gương để có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đi giám sát trực tiếp chương trình thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018 tại hai huyện Xín Mần và Quang Bình. Nhân dịp này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 100 em học sinh nghèo vượt khó hai huyện Xín Mần và Quang Bình.