Buôn bán gỗ trắc: Con đường bất hợp pháp từ rừng đến nội thất

BVR&MT – Sản phẩm hoang dã bất hợp pháp được giao dịch rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay là gỗ trắc hay hồng mộc – một loại gỗ cứng có nguy cơ tuyệt chủng được sử dụng trong đồ nội thất truyền thống của Trung Quốc.

Fampotakely, một ngôi làng đầy cát ở phía đông bắc Madagascar, thoạt trông không có vẻ gì là điểm đến cho người di cư: không bệnh viện, không trường học, không có điện và nguồn nước giếng hạn chế. Tuy nhiên, dân số ngôi làng đã bùng nổ lên 5.000 người trong mấy năm gần đây.

Một vài trong số những ngôi nhà, thường được làm từ thân và lá cọ khô, bây giờ đã có móng bê-tông và các tấm pin mặt trời. Sự giàu có tương đối của Fampotakely là nhờ vị trí chiến lược của nó trong chuỗi buôn bán gỗ bất hợp pháp: nằm ở hạ nguồn dòng sông chảy từ VQG Masoala – quê hương của một số loại gỗ trắc quý nhất thế giới.

Trong thập kỷ qua, đàn ông từ khắp nơi trong khu vực đã vào những khu rừng rậm rạp của VQG để khai thác gỗ, một công việc cho thu nhập cao theo tiêu chuẩn địa phương. Họ chặt những cây lớn, khắc các rãnh lên thân gỗ và dùng dây leo kéo đến tuyến đường thủy gần nhất. Với những chiếc bè làm từ những cây bị đốn hạ khác, họ sử dụng sào tre để đưa gỗ về phía Fampotakely và những ngôi làng khác dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương.

Những kẻ buôn lậu phải làm gì đó để làm với gỗ trong khi chờ tàu đến lấy hàng, đặc biệt hiện nay rất nhiều luật và hiệp ước đều coi buôn bán gỗ trắc là phi pháp. Ở Fampotakely, họ vùi gỗ vào cát. Thật vậy, chỉ cần đi vài bước trong làng là thấy những ngọn tròn trồi lên khỏi mặt đất như những chiếc tàu ngầm nhỏ. Dưới nước còn nhiều gỗ hơn: Các con lạch và cửa sông quanh Fampotakely đỏ lừ vì quá nhiều gỗ trắc được lưu trữ phía dưới. Lưu trữ dưới nước thực ra tốt hơn vì gỗ sẽ không bị mục nát.

Hầu hết gỗ trắc đều có điểm đến là Trung Quốc, nơi màu đỏ rực rỡ của nó được sử dụng để sản xuất đồ nội thất truyền thống hongmu (hồng mộc), trong đó, một chiếc giường đơn bằng gỗ trắc Madagascar có thể được bán với giá 1 triệu USD.

Theo UNODC, gỗ trắc là thực vật bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới khi được đo bằng giá trị hoặc khối lượng. Thậm chí, nó được giao dịch nhiều hơn cả ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê cộng lại và thường được gọi là “ngà voi của rừng”.

Các nhà bảo tồn rất lo lắng cho số phận của gỗ trắc vì phải mất nhiều thập kỷ để một cây hồng mộc có thể đạt tới kích thước buôn bán và mất cả thế kỷ mới trưởng thành đầy đủ.

Miền Nam Trung Quốc có nhiều loại gỗ trắc có giá trị đặc biệt, chẳng hạn như gỗ sưa (Dalbergia odorifera), nhưng chúng đã bị khai thác quá mức và có thể chưa bao giờ tồn tại với số lượng lớn.

Gỗ trắc nhập khẩu từ Đông Nam Á trở nên phổ biến khi Trung Quốc mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1970. Việc buôn bán bùng nổ trong hai thập kỷ qua, tăng 14 lần từ năm 2009 đến 2014, theo dữ liệu Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) thu thập từ hải quan Trung Quốc.

Không nhiều khu rừng nhiệt đới thoát khỏi “cơn lốc” này. Theo dữ liệu hải quan, ở Tây Phi, nhu cầu đã tạo ra “cơn sốt” khai thác gỗ với việc giá trị xuất khẩu gỗ hương chất lượng thấp tăng 1.000 lần so cùng kỳ.

Sam Lawson – người sáng lập Earthsight, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London chuyên điều tra tội phạm môi trường – viện dẫn hiệp ước cấm buôn bán các loài nguy cấp: “Gỗ trắc châu Phi là loài đơn lẻ bị buôn bán nhiều nhất thế giới trong số các loài thuộc danh sách của CITES… Phải tới 40%. Điều mà tôi thực sự ngạc nhiên là giá trị của nó… cũng như cocaine vậy”.

Mạng lưới buôn lậu hiệu quả đến mức trong nhiều trường hợp, vào thời điểm một quốc gia – hoặc một tổ chức bảo tồn hoặc một nhóm người dân địa phương – nhận ra vấn đề thì tất cả những cây tốt nhất đều biến mất, rừng bị đe dọa nghiêm trọng và không có nguồn thu hoặc thuế xuất khẩu gì hết.

Khai thác gỗ trắc gây ra những vấn đề hơn cả việc chặt các loài cây quý hiếm. Ở Tây Phi, nó có thể làm khô rừng, khiến rừng dễ bị hỏa hoạn và sa mạc hóa. Ở Madagascar, nơi có “nhiều thông tin di truyền trên mỗi đơn vị bề mặt” hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, cây gỗ trắc cao vút là nơi làm tổ chính cho các loài động vật đặc hữu như vượn cáo. Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Primatology của Mỹ, việc khai thác “gây ra những hậu quả hủy diệt”.

“Việc khai thác gỗ trắc ảnh hưởng đến vượn cáo ở nhiều cấp độ. Khi người khai thác chặt gỗ, có rất nhiều sản phẩm phụ ngoài chủ đích. Họ lấy đi những cây lớn nhất trong rừng và chặt bỏ những cây khác trên đường đi. Sau đó, họ cũng săn lùng vượn cáo để ăn khi ở trong rừng. Họ chỉ mang gạo vào rừng và cần thức ăn hoang dã cho khẩu phần”, Natalie Vasey, nhà linh trưởng học thuộc Đại học bang Portland, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Việc buôn bán gỗ trắc bị cấm ở Madagascar trong nhiều thập kỷ, nhưng chính phủ đã ban hành một số miễn trừ ngắn, nhất là trong hai giai đoạn năm 2009. Điều này đã vấy bẩn nỗ lực nhiều năm, cho phép những kẻ buôn lậu hợp pháp hóa số gỗ khai thác được.

Năm 2013, CITES đưa tất cả các loại gỗ trắc Madagascar vào Phụ lục II, cấm buôn bán trừ những trường hợp được cơ quan CITES địa phương cấp giấy phép bền vững. Danh sách tương tự đã được ban hành ở các nước nhiệt đới khác trong thập kỷ qua nhằm theo kịp những kẻ buôn lậu.

Sau rốt, năm 2017, CITES cấm giao dịch tất cả các loài Dalbergia trên thế giới cũng như các loại hồng mộc khác, theo Phụ lục II. Gỗ trắc dùng để chỉ các loại gỗ cứng có màu sẫm nhất và đồng màu nhất trong các chi Dalbergia và Pterocarpus. Dalbergia từ Madagascar và châu Á-Thái Bình Dương thường sẫm hơn và có giá trị hơn Pterocarpus của Tây Phi.

Tăng cường luật pháp là khởi đầu nhưng trong thực tế, chỉ có thể bảo tồn gỗ trắc nếu các nước nguồn và các nhà buôn gỗ coi đó là ưu tiên. Ở Madagascar, điều đó vẫn chưa xảy ra.

Chính phủ đã hợp tác chính thức với CITES và các nhóm bảo tồn quốc tế nhưng thật ra không có nỗ lực nghiêm túc nào để ngăn chặn nạn buôn bán gỗ trắc. Thay vào đó, việc buôn bán dường như thành độc quyền và ít lộ liễu hơn.

Trong những năm gần đây, nước này truy tố nhiều nhà hoạt động ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp, nhưng không đả động gì đến cái gọi là những ông trùm gỗ, nhiều người trong số này là chính trị gia hoặc có quan hệ chặt với các quan chức chính phủ.

Ở nhiều nước được coi là “thủ phủ” gỗ trắc thì loại hồng mộc có giá trị nhất đã bị chặt và Madagascar cũng không ngoại lệ. Sự gia tăng khai thác gỗ trong thập kỷ qua khiến rừng không còn bao nhiêu cây có đường kính lớn.

Khai thác gỗ tiếp tục lấn sâu hơn vào các khu rừng già cỗi ở phía đông bắc Madagascar. Năm ngoái, các nhà báo thuộc Dự án đưa tin về Tội phạm và Tham nhũng có tổ chức trong vai người mua gỗ được hứa rằng 80% số gỗ họ mua sẽ được chặt mới, trực tiếp từ rừng. Người bán đảm bảo rằng khâu xuất khẩu sẽ được điều phối qua các quan chức chính phủ.

Một khi thỏa thuận mua bán hoàn tất, một con tàu đậu ngoài khơi đợi những chiếc thuyền nhỏ hơn mang gỗ trắc ra. Tháng 11 năm ngoái, sáu tàu ngoài khơi đông bắc Madagascar đã bị nghi ngờ chở gỗ hồng trên đường đến Singapore. Nhưng những con tàu như vậy, vì muốn che giấu nguồn gốc xuất xứ nên thường đi theo các tuyến đường phức tạp, dừng chân tại các cảng ở Đông Phi hoặc các nơi khác ở Ấn Độ Dương.

Dù các nhóm môi trường thường phối hợp với NGO quốc tế để cảnh báo nhà chức trách nước ngoài và cơ quan hải quan ở Singapore, Sri Lanka cùng những nơi khác thực hiện các vụ bắt giữ lớn về gỗ hồng mộc Madagascar trong thập kỷ qua nhưng các vụ bắt giữ rất hiếm khi dẫn đến kết án, và như với bất kỳ hàng lậu nào, một lượng lớn gỗ bất hợp pháp không bao giờ bị tịch thu.

Xiao Di, một nhà nghiên cứu gỗ tại Giang Tô cho biết “chúng tôi biết hầu hết gỗ bị chặt hạ trái phép nhưng khi chúng vào Trung Quốc với giấy tờ “chuẩn” thì chúng trở thành hợp pháp. Thương lái Trung Quốc đã hối lộ các quan chức [hải quan] để mua chứng nhận CITES”.

Tham nhũng không chấm dứt khi gỗ vào nội địa Trung Quốc. “Môi trường kinh doanh rất “bẩn thỉu”, không tham nhũng thì bạn không thể bước chân vào ngành này”, Chun Rong Chen, một thương lái gỗ ở Trương Gia Cảng, một trung tâm buôn bán gỗ trắc, khẳng định. Cảng lớn của thành phố, dọc theo sông Dương Tử, là điểm nhập cảnh của nhiều chuyến hàng từ châu Phi và các nơi khác.

Các kho chứa gỗ trắc từ Đông Nam Á, Tây Phi, Madagascar và các đảo ở Thái Bình Dương, chẳng hạn như Quần đảo Solomon, nơi gần đây cũng xảy ra cơn sốt khai thác. Phần lớn gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp – kể cả gỗ được giao dịch từ khi CITES công bố danh sách 2017 – nhưng việc chứng minh bất kỳ súc gỗ nào cũng cần tới kỹ thuật nhận dạng và phân tích công nghệ cao để xác định tuổi.

Phần nhiều số gỗ đó được bí mật vận chuyển đi khắp thế giới nhưng khá dễ dàng mà không bị làm khó dễ gì. Khi đã vào trong một nước, khó có thể biết được gỗ đầu vào cũng như đầu ra của của một đại lý là ở đâu.

Các đại lý và khách hàng dường như tin tưởng lẫn nhau. Nếu người mua vừa mắt với loại gỗ nào thì có thể gọi cho đại lý. Thông thường, số điện thoại được viết nguệch ngoạc trực tiếp bằng phấn màu lên các súc gỗ.

Các loại hình nghệ thuật cần thiết để sản xuất đồ nội thất hồng mộc không thể được thực hiện trên dây chuyền lắp ráp. Ở Tiên Du, thợ thủ công làm việc trong các xưởng chỉ gồm một phòng xây bằng gạch trần, nằm dọc đường phố. Người qua đường có thể nhìn vào và thấy gỗ trắc rải rác bên cạnh các dụng cụ chạy bằng điện và đồ nội thất trong các giai đoạn lắp ráp khác nhau. Tất cả mọi thứ được bao phủ trong phoi bào và một lớp bụi đỏ mịn.

Gỗ trắc rất cứng, các nghệ nhân sử dụng mộng thay vì keo và đinh để trang trí tủ quần áo, giường và bàn ăn, thực hiện các tác phẩm chạm khắc phổ biến theo phong cách nhà Minh (bóng bảy và đơn giản) và nhà Thanh (phức tạp và phô trương).

Các đống gỗ trắc tại một chợ gỗ ở Đông Dương, Trung Quốc – trung tâm nổi tiếng về buôn lậu (Ảnh: Sandy Ong).

Đi về phía bắc vài trăm cây số, tại Đông Dương, có những nhà sản xuất lớn hơn với phòng trưng bày. Nhà máy Vinh Đỉnh Hiên nằm trong một khu phức hợp khép kín với hai tòa nhà nhiều tầng và gara riêng. Ở đây, đồ nội thất gỗ trắc lấp lánh được bày biện cùng với các phụ kiện. Có đệm lụa trên ghế, cây cảnh được cắt tỉa cẩn thận đặt giữa bàn ăn và bút viết thư pháp trên bàn học để khách hàng có thể tưởng tượng những thứ đó trông như thế nào khi ở nhà hoặc trong văn phòng. Loại gỗ, quốc gia xuất xứ – chủ yếu là “trắc đen châu Phi” (Dalbergia melanoxylon) từ Mozambique – và các thông số kỹ thuật khác được ghi rõ trên tấm biển.

Trong những thập kỷ gần đây, các tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang tăng nhanh của Trung Quốc đã tìm cách “mua lại” các di sản văn hóa (vốn bị tàn phá trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa). Cha mẹ giàu có mua đồ nội thất bằng gỗ trắc như một khoản đầu tư hoặc một món quà để truyền lại cho con cái cũng đơn giản như lý do họ mua một chiếc xe hơi hào nhoáng hoặc một chiếc túi xách hợp thị hiếu.

Mark Ng, một đại lý bán sỉ tại chợ gỗ Phụ Nhân ở Thượng Hải giải thích: “Tất cả cũng vì “thể diện” mà thôi. Nếu đến nhà ai đó và thấy rằng không có đồ gỗ trắc, người ta cho rằng những người đó ở đẳng cấp thấp”.

Tuy nhiên, văn hóa tiêu dùng phô trương cuối cùng có thể thay đổi. Một số đại lý gỗ than thở nhu cầu đã giảm trong hai đến ba năm qua. Điều này có thể là do quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm trong sạch Đảng và không khuyến khích việc tặng quà xa xỉ mà các quan chức của Đảng từng biết đến. “Bạn vẫn có thể bỏ 10.000 USD vào ví nhưng không phải là đồ nội thất trị giá 10.000 USD”, Chen, một lái gỗ, mỉm cười ranh mãnh nói.

Từ quan điểm bảo tồn gỗ hồng sắc, còn có một lý do khác để hy vọng: Có vẻ như giới trẻ Trung Quốc thích phong cách ít chơi trội hơn. “Chỉ có những người già thích đồ nội thất kiểu này. Những người trẻ tuổi thích những thiết kế đơn giản hơn, như IKEA”, Chen phân tích .

Hơn nữa, có rất ít tổ chức quan tâm đến vấn đề gỗ bất hợp pháp. Không có nhóm môi trường Trung Quốc nào chuyên biệt về buôn bán gỗ bất hợp pháp và truyền thông cũng không mấy khi đưa tin.

“Hơn hết, tôi cho rằng thứ thực sự cần thiết ở đây là gia tăng ý chí chính trị. Nhiều quốc gia xuất xứ gỗ đang trong tình trạng rất không ổn định, rất nghèo, quản trị chính phủ thấp, [vì vậy] Trung Quốc là nơi có cơ hội lớn nhất. Chính phủ Trung Quốc, khi quyết định làm một việc gì đó, có khả năng thực hiện điều đó một cách đáng kinh ngạc”, Lawson phát biểu.

Trung Quốc đã thực hiện một vài bước đi để cải thiện hệ thống giám sát nhập khẩu. Phòng thí nghiệm hải quan ở Trương Gia Cảng kiểm tra một số lô gỗ vào cảng. Khi một loại gỗ không thể xác định được bằng mắt thường, các thanh tra sẽ cắt một mẫu để kiểm tra dưới kính hiển vi; vòng tuổi, mạch và cấu trúc tế bào giúp xác định chính xác các loài.

Các phòng thí nghiệm lớn hơn của nhà nước, chẳng hạn như của Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh, đã bắt đầu thử sử dụng phân tích ADN, xác định đồng vị ổn định và phương pháp sắc ký khí ghép nối khối phổ. Nhưng những kỹ thuật này vẫn đang được phát triển và hiện quá đắt để áp dụng rộng rãi.

Thêm vào đó, như các nhà bảo tồn chỉ ra, các kỹ thuật giám sát mới sẽ không đủ để giải quyết vấn đề buôn bán.

“Chốt lại, vẫn là vấn đề chính phủ không sẵn sàng thực thi luật pháp, vẫn là vấn đề tham nhũng của các cá nhân thực thi. Và những điều đó sẽ không được giải quyết bằng công nghệ”, Lawson nói.

Các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế như Forest Trends và Global Witness đang vận động cho việc thiết lập luật pháp chặt chẽ hơn về gỗ, được mô phỏng theo Quy định về Gỗ của EU hoặc Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ, buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc của sản phẩm liên quan đến các loài hoang dã.

Các tổ chức này cũng hy vọng Trung Quốc sẽ giao việc chế định và thực thi thương mại gỗ cho một cơ quan hoặc bộ ngành dồi dào tài chính bởi hiện tại, việc này được giao cho các quan chức cấp thấp thuộc Cục Quản lý Lâm nghiệp.

Madagascar đang trong quá trình sắp xếp bộ máy. Tân tổng thống, tuyên thệ nhậm chức ngày 19/1, là người đã lãnh đạo đất nước từ năm 2009 đến năm 2013 – thời kỳ khai thác gỗ hồng sắc dồn dập trong lịch sử đất nước. Tổng thống được cho là gần gũi với các ông trùm gỗ và các nhà bảo tồn sợ rằng một cơn sốt lớn khác sắp lan đến các khu rừng nhiệt đới.

Tất nhiên, tình hình còn phụ thuộc vào mức độ người Trung Quốc cần gỗ đến đâu.

Nếu tôi gặp người Trung Quốc mua gỗ hồng sắc, tôi sẽ nói “Tại sao?” Marozafy, nhà hoạt động chống buôn người ở Madagascar chia sẻ. “Mối quan hệ với Trung Quốc và Madagascar là không công bằng và bình đẳng. Có người thắng kẻ thua. Khi chúng ta gặp vấn đề chính trị, người Trung Quốc rất vui – họ có thể lấy những gì họ muốn. Họ tận dụng quản trị kém vì điều đó có nghĩa là nhiều lợi nhuận hơn. Nếu họ thực sự muốn bảo tồn các loài hoang dã, họ phải dừng lại”.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)

 

Tags: ,
CHIA SẺ