BVR&MT – Theo nghiên cứu mới được công bố, quần thể cá đang giảm dần khi đại dương ấm lên, đồng nghĩa với nguồn thực phẩm và thu nhập chính cho hàng triệu người trên thế giới gặp rủi ro.
Lượng hải sản mà con người có thể thu hoạch bền vững đã giảm 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 2010, một hệ lụy từ biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
“Bốn phần trăm suy giảm nghe có vẻ nhỏ nhưng đấy là 1,4 triệu tấn cá từ năm 1930 đến 2010”, Chris Free, tác giả chính của nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science cho biết.
Theo FAO, cá chiếm 17% lượng protein động vật của dân số toàn cầu và chiếm 70% đối với người sống ở một số quốc gia ven biển và quốc đảo.
Khi các đại dương ấm lên, một số khu vực bị tác động đặc biệt. Ở phía đông bắc Đại Tây Dương và biển Nhật Bản, quần thể cá giảm tới 35% trong thời gian nghiên cứu.
Sinh vật biển đang phải chịu những tác động dữ dội nhất của biến đổi khí hậu. Các đại dương hấp thụ 93% nhiệt lượng bị giữ lại bởi khí nhà kính mà con người bơm vào khí quyển.
Trong hoàn cảnh thay đổi, cá đang dịch chuyển nơi sống, để tìm kiếm nhiệt độ ưa thích. Nhiệt độ đại dương cao có thể giết chết cả cá lẫn nguồn thức ăn của chúng.
Trong khoảng một phần tư các khu vực được nghiên cứu, cá đã mở rộng phạm vi sinh sống. Ngoài khơi Đại Tây Dương thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, sản lượng bền vững của cá mú đen tăng 6% trong thời gian mà nghiên cứu xác định.
Một phần tư các khu vực khác không có sự thay đổi đáng kể về quần thể cá như tây bắc Đại Tây Dương, nơi cá trích rất phong phú.
Nhưng một nửa các khu vực thì không được thế. Vùng đông bắc Đại Tây Dương – quê hương của cá tuyết Đại Tây Dương đã giảm 34% sản lượng đánh bắt bền vững.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào sản lượng đánh bắt bền vững, sử dụng một biện pháp do Liên hợp quốc phát triển nhằm định lượng lượng lương thực có thể thu hoạch nhiều lần từ một quần thể cá cơ bản. “Thủy sản cũng như một tài khoản ngân hàng và chúng ta đang sống dựa vào tiền lãi”, tiến sĩ Pinsky nói.
Các nhà nghiên cứu sử dụng một bộ dữ liệu gồm 235 quần thể cá ở 38 vùng sinh thái trên toàn cầu. Dữ liệu không chỉ cho biết cá ở đâu mà cả cách chúng phản ứng với các tác động môi trường như nhiệt độ nước thay đổi.
Nhóm nghiên cứu so sánh dữ liệu với các hồ sơ ghi lại nhiệt độ đại dương thay đổi theo thời gian và phân tách theo các khu vực khác nhau. Những phân tích khu vực này rất quan trọng bởi vì một số phần của đại dương đã ấm lên nhanh hơn những phần khác.
Ngoài ra, dữ liệu tiết lộ một số xu hướng khác. Quần thể cá ở những vùng lạnh hơn trong phạm vi của chúng có xu hướng tốt hơn so với những quần thể trong khu vực ấm hơn. Điều này gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu bởi vì dữ liệu họ sử dụng ít chi tiết hơn ở vùng nhiệt đới. Mất cá ở những khu vực này có thể cao hơn ở những khu vực mà nghiên cứu tập trung.
Các khu vực ấm áp thậm chí còn tệ hơn khi bị đánh bắt quá mức. Các nhà nghiên cứu cho rằng đánh bắt quá mức gây tổn thương khả năng sinh sản và làm hỏng hệ sinh thái của cá, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn khi nhiệt độ thay đổi.
Một nghiên cứu riêng biệt, cũng vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, phát hiện ra rằng việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5oC so với thời thời tiền công nghiệp có thể mang lại cho thế giới thêm nguồn thu hàng tỷ USD, trong đó phần lớn là ở các nước đang phát triển – nơi nhiều người ăn cá để có protein.
“Cần giảm giới hạn đánh bắt trong những năm ấm và có thể tăng trong những năm lạnh hơn, đồng thời thế giới cần có các quy định thích ứng với biến đổi khí hậu để tối đa hóa tiềm năng thực phẩm”, Tiến sĩ Free nhấn mạnh.
Nhật Anh (Theo Nytimes.com)