BVR&MT – Trái ngược với nhận thức rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng khai thác quá mức đất đai, nguồn nước và nguồn tài nguyên, diện tích phủ xanh của hai nước này trong 2 thập kỷ qua lớn nhất hành tinh.
Forbes dẫn nguồn NASA cho biết Trái Đất hiện nay “xanh” hơn cách đây 20 năm. Điều gì đã dẫn tới thay đổi này? Có vẻ như thành tựu này phần lớn là do nỗ lực của Trung Quốc và Ấn Độ.
Trái ngược với nhận thức cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng khai thác quá mức đất đai, nguồn nước và các nguồn tài nguyên để đạt được lợi ích kinh tế, diện tích phủ xanh của hai nước này trong 2 thập kỷ qua là lớn nhất hành tinh.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã thực hiện những chương trình trồng cây đầy tham vọng và gia tăng quy mô thực hiện cũng như xúc tiến phát triển công nghệ xoay quanh ngành nông nghiệp.
Ấn Độ tiếp tục phá kỷ lục thể giới về trồng cây, với 800.000 người dân Ấn Độ trồng 50 triệu cây xanh chỉ trong 24 giờ.
Được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, phát hiện mới đây của NASA so sánh dữ liệu vệ tinh từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20 so với ngày nay, sử dụng công nghệ hình ảnh có độ phân giải cao.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng đáng kể tỷ lệ phủ xanh trên toàn cầu. Họ không rõ liệu việc Trái Đất nóng lên, lượng khí carbon dioxide (CO2) gia tăng hay khí hậu ẩm ướt hơn đã khiến nhiều cây xanh mọc lên.
Sau khi điều tra thêm về hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng diện tích phủ xanh phân bố không đều và tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nếu hiện tượng phủ xanh chủ yếu là phản ứng do biến đổi khí hậu và Trái Đất ấm lên thì thảm thực vật hẳn phải mở rộng vượt ra ngoài biên giới các quốc gia. Ngoài ra, các vùng ở vĩ độ cao hẳn phải phủ xanh nhanh hơn vĩ độ thấp khi băng vĩnh cửu tan chảy và khí hậu ở các khu vực như miền Bắc nước Nga trở nên thuận lợi hơn cho sinh trưởng.
Mỹ đứng ở vị trí thứ 7 về tỷ lệ phần trăm thay đổi diện tích thảm thực vật theo thập kỷ.
Đương nhiên, danh sách này không phản ánh được điểm khởi đầu của từng quốc gia. Chẳng hạn, một quốc gia lưu giữ được nguyên vẹn phần lớn diện tích rừng và thực vật sẽ không còn nhiều không gian để gia tăng tỷ lệ phủ xanh, trong khi một quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động khai thác rừng sẽ có nhiều không gian để tăng trưởng hơn.
NASA đã sử dụng máy quang phổ hình ảnh có độ phân giải vừa (MODIS) để có được ảnh chụp chi tiết thảm thực vật trên toàn cầu qua thời gian. Kỹ thuật này giúp ta có được những bức ảnh với độ phân giải lên tới 500 mét, được ghi lại trong 2 thập kỷ qua.
Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều từng trải qua thời kỳ nạn phá rừng trên quy mô lớn hoành hành vào những năm 1970 và 1980, khi những khu rừng lâu năm bị xóa sổ nhằm phát triển đô thị, canh tác và nông nghiệp.
Tuy nhiên, rõ ràng là khi phải đối mặt với một vấn đề nào đó, con người rất giỏi tìm ra giải pháp. Vào những năm 1990, khi trọng tâm chuyển sang việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và chống biến đổi khí hậu, hai nước này đã có những sự thay đổi to lớn trong việc sử dụng đất nói chung.
Sự thay đổi nhanh chóng như vậy trong việc quản lý và sử dụng đất khi phải đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan” thực sự mang tính khích lệ rất lớn. Đây sẽ vẫn tiếp tục là một trong những kỹ năng cần thiết trong nhiều thập kỷ tới.