BVR&MT – Các nhà vận động ở Indonesia đang sử dụng truyền thống sản xuất lụa batik nổi tiếng để khiến mọi người nghĩ về tê giác Sumatra, một loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatlingsis) thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp và là loài duy nhất còn sống của chi tê giác nguyên thủy nhất Dicerorhinus, tiến hóa từ 15-20 triệu năm trước và bao gồm cả tê giác lông mượt thời tiền sử.
Mất sinh cảnh, sinh cảnh bị phân mảnh do khí hậu và nạn săn trộm đã làm giảm đáng kể quần thể loài, ước tính hiện còn từ 30 đến 100 cá thể. Một trong những thành trì cuối cùng của loài là VQG Way Kambas ở tỉnh Lampung trên đảo Sumatra, nơi một chương trình nuôi nhốt đang được tiến hành để củng cố quần thể hoang dã.
Lampung cũng là nơi có truyền thống làm lụa batik lâu đời – một dạng vải được nhuộm bằng tay, nhiều chi tiết của tấm vải được phủ sáp ong.
Elly Lestari Rustiati, chuyên gia về tê giác tại Đại học Lampung, đã nảy ra ý tưởng kết hợp hai khái niệm: bảo tồn và lụa batik. Nhận thức bảo tồn tê giác thông qua nghệ thuật không phải là điều gì mới mẻ; ở Ấn Độ, những người thợ chạm khắc gỗ thủ công tạo ra những bức tượng tê giác một sừng tinh xảo vốn sống ở VQG Kaziranga.
Vì vậy, Elly giới thiệu ý tưởng của mình với một cộng đồng làm lụa batik địa phương, nhấn mạnh rằng đó là giá trị gia tăng cho hàng dệt may mà họ đã sản xuất, bên cạnh các lợi ích về nâng cao nhận thức.
Họa tiết là trung tâm của bất kỳ mẫu lụa batik nào, và là duy nhất tại khu vực sản xuất ra tấm lụa đó. Đối với lụa batik Lampung, họa tiết tê giác là điều tự nhiên.
“Họ rất háo hức và rất hào hứng khi học cách tạo ra các họa tiết tê giác”, Elly nói về những người tham gia, giải thích thêm rằng cô đã cung cấp thông tin về đặc điểm của loài để giúp họ vẽ lại những con tê giác hai sừng.
Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng như đã tưởng, Hidayatullah, 31 tuổi, chủ sở hữu của cửa hàng Andanan Batik ở huyện Pesawaran thuộc tỉnh Lampung, cho biết.
“Ban đầu thật khó khăn. [Họa tiết] trông không giống như một con tê giác Sumatra”, anh nói.
Những nỗ lực ban đầu của anh rốt cuộc cho kết quả là họa tiết trông giống như tê giác Java một sừng, một loài cực kỳ nguy cấp khác có nguồn gốc từ Indonesia. Nhưng Hidayatullah vẫn kiên trì và ngày nay sản phẩm của anh mang hình bóng đáng tự hào của những con tê giác Sumatra nhỏ bé cũng như một số loài thực vật mà chúng ăn.
Hidayatullah cho biết quyết tâm của anh để có được quy trình đúng đắn được lấy cảm hứng từ đam mê của con anh tìm hiểu thêm về sinh vật hình thành giữa lớp phủ sáp trên vải lụa. Anh đã đến thăm Khu bảo tồn Tê giác Sumatra ở Way Kambas để nghiên cứu phác thảo đặc biệt về loài vật.
Elly cho biết cô hy vọng lụa batik tê giác sẽ giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn tê giác, vì sự phổ biến của batik trên khắp Indonesia. “Hy vọng rằng với các nhà sản xuất batik ở Lampung, sáng kiến này sẽ là sự pha trộn giữa các giá trị văn hóa và khoa học. Bằng cách đó, các tác phẩm batik của cộng đồng sẽ có giá trị gia tăng và sự độc đáo riêng biệt”.
Sự phổ biến của họa tiết tê giác đã gây chú ý. Ở huyện East Lampung lân cận, các nhà thiết kế địa phương tạo ra hàng trăm tấm batik đặc biệt mỗi tháng, một số tấm đã được may thành đồng phục cho các quan chức huyện.
Là một nghệ nhân theo trường phái cũ, Hidayatullah không đi theo mô hình in ấn đại trà mà sản xuất lụa batik của mình theo đơn đặt hàng. (Là một nhà tiếp thị của trường phái mới, anh quảng bá tác phẩm của mình qua Instagram.) Anh bán một tấm batik họa tiết tê giác, có kích thước 1,2 x 2,2 mét với giá 300.000 rupiah (21 USD) – còn áo batik may sẵn với giá 450.000 rupiah (32 USD).
“Có một niềm tự hào đặc biệt mà tôi cảm nhận được từ việc giới thiệu loài tê giác này ra toàn thế giới thông qua lụa batik”, Hidayatullah nói.
Nhật Anh (Theo Mongabay.com)