BVR&MT – Nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Rừng Quốc gia Yên Tử được coi là một trong những khu rừng linh thiêng nhất Việt Nam với những dãy núi cao trùng trùng điệp điệp ẩn trong các khu rừng nguyên sinh thâm u, huyền bí cùng hệ thống suối thác tuyệt đẹp. Tất cả đều nhuốm màu đạo Phật và đã trở thành nơi đắc địa để các vị thiền sư, cao tăng tu hành nhập thế từ ngàn năm nay.
“Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu” – Câu ca dao trên đã khẳng định một vị trí độc tôn của non thiêng Yên Tử trong tâm khảm của người Việt. Thực vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, hàng triệu lượt tín đồ Phật tử và du khách từ khắp mọi miền tổ quốc hay kiều bào nước ngoài lại trẩy về nơi đây để được đắm mình vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết vọng lại từ xa xưa.
Tương truyền rằng, hơn hai ngàn năm trước, Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” thành “Yên Tử”. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà nổi tiếng nhất chính là cuộc đời, sự nghiệp của của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau khi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông – đội quân hùng mạnh nhất thời ấy, vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng. Từ bỏ ngôi vị ở tuổi 35, ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu khổ hạnh. Từ chức vị cao sang nhất, vua Trần trở về ngôi tôn quý của Nhà Phật, sáng lập ra thiền phái Trúc lâm Yên Tử nổi tiếng. Ngài mất ở am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử.
Rừng quốc gia Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên là 2.783ha, một diện tích không lớn, nhưng nơi đây vẫn được xem như một bảo tàng lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đặc biệt, rừng quốc gia Yên Tử còn ẩn chứa bên trong những giá trị văn hoá tâm linh, di tích quốc gia đặc biệt gắn với cuộc đời tu hành của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông như: Chùa Bí thượng, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Giải Oan, Cụm Tháp Hòn Ngọc, Am Ngự Dược, Chùa Đồng…
Theo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, trong số 206 loài động vật có xương sống tại rừng quốc gia Yên Tử, có trên 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: Sóc bay lớn, voọc mũi hếch, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu… Thực vật cũng rất đa dạng với tổng số 830 loài thuộc 5 ngành khác nhau, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm, như: Táu mật, lim xanh, lát hoá, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao… Đáng kể nữa là rừng quốc gia Yên Tử hiện còn có một số loài cây đã gắn bó với cuộc đời tu hành tại Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các đệ tử của ngài là cây tùng 700 năm tuổi, trúc, cây đại cổ, mai vàng Yên Tử…
Không chỉ đa dạng về số loài thực vật, rừng quốc gia Yên Tử còn là một vườn thuốc quý với nhiều loại cây thuốc có giá trị cao như: Ngũ gia bì gai, kim tuyến, cát sâm, bách xanh, đại kế, hoằng tinh hoa trắng, hà thủ ô đỏ, bổ béo đen, giảo cổ lam, rau sắng, lan một lá, bảy lá một hoa, sâm cuốn chiếu, ba gạc Ấn Độ, trầu một lá… có tác dụng trị ung thư, hạ đường huyết, đau dạ dày, viêm gan siêu vi trùng, sốt xuất huyết, đau cơ xương khớp, cảm sốt, ho… Vì vậy, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ, hạn chế người dân khai thác các loại cây dược liệu trong rừng.
Ngày nay, địa thế tự nhiên của di tích với các chùa chiền, am tháp nằm xen kẽ giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của rừng quốc gia Yên Tử càng tôn thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất phật, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tâm linh, sinh thái của tỉnh Quảng Ninh. Cũng chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học của rừng quốc gia Yên Tử đã và đang được gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hoá này.
Đức Long