BVR&MT – Năm 2018, ghi nhận lĩnh vực trồng trọt gặt hái thành công ở nhiều mặt hàng như: gạo, rau quả,… giúp đưa kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt 19,5 tỷ USD. Bước sang năm 2019, cùng với ý chí, nỗ lực tiếp tục bứt phá, lĩnh vực trồng trọt hứa hẹn sẽ có một năm mới với những kết quả ấn tượng mới.
Nhân dịp Tết đến Xuân về, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những kết quả đạt được của lĩnh vực trồng trọt năm qua và những giải pháp chuẩn bị cho năm 2019.
Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2018 ghi nhận lĩnh vực trồng trọt đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt, đặc biệt về mức tăng giá trị sản xuất 2,52% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 19,5 tỷ USD. Ông có đánh giá gì về những kết quả nổi bật mà lĩnh vực trồng trọt đạt được trong năm vừa qua?
Ông Trần Xuân Định: Vâng, năm 2018 có thể nói là một năm thắng lợi vượt bậc của sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng. Giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 482 ngàn tỷ đồng, tăng 2,52% giá trị so với 2017, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2,0-2,5%), sản lượng lương thực có hạt đạt 48,8 triệu tấn, tăng 2,1% so với 2017. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các loại nông sản thuộc lĩnh vực trồng trọt đạt 19,5 tỷ USD, tăng 3% so với 2017. Mức tăng trưởng này là mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.
Cũng phải nói thêm rằng, năm 2018 không phải là một năm “mưa thuận, gió hòa” cả về điều kiện thời tiết khí hậu và các điều kiện khách quan khác: nguy cơ dịch bệnh ở cả 2 vựa lúa của cả nước, thị trường diễn biến phức tạp và thất thường, giá cả một số mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu, cao su đều không thuận lợi.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất lúa gạo, một lợi thế của Việt Nam đã bước đầu thành công với con số năng suất và sản lượng đều tăng mặc dù, mỗi năm có hàng trăm ngàn ha đất chuyển đổi. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, năng suất lúa bình quân cả nước đạt 58,1 tạ/ha, cao hơn năm 2017 là 2,6 tạ/ha, sản lượng gần 44 triệu tấn, tăng 1,22 triệu tấn. Đây là kết quả ghi nhận việc thực hiện tái cấu trúc lúa gạo đã đúng hướng và thành công, sau nhiều năm tham gia thị trường gạo với tư cách là một trong 3 nhà xuất khẩu chính, gạo Việt đã bắt đầu có tên tuổi và giá trị cũng đã ngang bằng, thậm chí có lúc cao hơn gạo cùng cấp của các đối thủ danh tiếng.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận mốc giá trị xuất khẩu mới và vượt qua nhiều ngành hàng khác cán mốc 3,8 tỷ USD so với 3,5 tỷ USD của 2017. Ngành hàng này trong năm 2018 cũng đã đánh dấu một bước ngoặt lớn với 3 nhà máy chế biến sâu, hiện đại được khánh thành. Đây là tín hiệu rất tốt cho mục tiêu vươn tới 4-5 tỷ USD xuất khẩu từ ngành hàng này.
Kết quả đạt được của lĩnh vực trồng trọt năm 2018, trước hết thuộc về công sức của bà con nông dân trong cả nước với tính cần cù, bám sát hơn nhu cầu thị trường và sáng tạo trong lao động, vận dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và từng bước thay đổi cách thức tổ chức và liên kết sản xuất cùng nhau và với các doanh nghiệp. Thứ hai, đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, đối tác và tổ chức liên kết với nông dân, hạn chế khâu trung gian, bao tiêu sản phẩm nông sản và đặc biệt sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ.
PV: Năm 2018, ghi nhận ở mặt hàng gạo đạt kết quả ấn tượng, chúng ta đã cán đích giá trị xuất khẩu 3,03 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tăng và tỷ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đã chiếm tới 80%, theo ông, đâu là nguyên nhân để chúng ta có được kết quả này?
Ông Trần Xuân Định: Đối với mặt hàng gạo, chúng ta đã và đang thực hiện đúng hướng và bước đầu thành công đề án “Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo đến 2025 tầm nhìn 2030”. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo của chúng ta là 3,03 tỷ USD, cao hơn năm 2017 và trở lại mốc trên 3 tỷ USD sau 6 năm dưới ngưỡng này. Điều đặc biệt giá gạo của Việt nam tăng từ bình quân 452 USD/tấn năm 2017 lên bình quân 502 USD/tấn năm 2018.
Hầu hết ở tất cả các vùng trọng điểm, bộ giống lúa đã chuyển dịch theo hướng lúa chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn gạo trắng hạt dài Việt Nam và tiêu chuẩn gạo trắng thơm Việt Nam (TCVN 11888:2017 và TCVB 11889:2017). Đây là tiêu chuẩn được ban hành mới nhất và đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế nhưng cũng mang những sắc thái của Việt Nam, chúng ta cũng đã lựa chọn được Logo cho gạo Việt để hạt gạo “một nắng hai sương” của nông dân Việt có tên tuổi chính thống trên thị trường toàn cầu.
Canh tác lúa gạo với những vùng đặc thù: lúa-tôm, lúa-cá, lúa hữu cơ và lúa sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nhóm gạo đặc thù như nếp hạt tròn, nếp hạt dài và gần đây nhóm gạo Japonica nổi lên như một thế mạnh nữa của ngành hàng này. Các chương trình khoa học công nghệ được ứng dụng, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận và nông dân tiếp thu gieo trồng rất nhanh như: RVT, Đài thơm 8, OM 5451, OM 6976, ST21, ST24… với các kỹ thuật canh tác giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng nấm đối kháng để quản lý dịch hại…
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương trong cả nước, cơ cấu giống lúa chất lượng gồm cả lúa hạt dài, cơm mềm, dẻo đậm, thơm hoặc thơm nhẹ tăng nhanh, có địa phương tỷ lệ này theo mùa vụ chiếm tới 60-65% diện tích gieo trồng. Với sự chuyển đổi cơ cấu và cả phương thức canh tác này, rõ ràng chúng ta đã sản xuất theo một tư duy mới, tư duy thị trường và tư duy về giá trị, sản xuất ra sản phẩm thị trường cần.
Và có một vấn đề không thể không nói đến khi hạt gạo Việt Nam đã có được vị thế, đó là hệ thống chế biến, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và sự đổi mới thiết bị chế biến. Mặc dù còn những hạn chế về tổ chức sản xuất, sấy sau thu hoạch nhưng công nghệ xay xát của Việt nam đã ngang tầm các nước.
PV: Tương tự, ngành hàng rau quả đạt giá trị xuất khẩu cao với 3,8 tỷ USD, tăng 8,5% về giá trị so với năm 2017, xin ông cho biết, bước sang năm 2019, với ngành hàng này, chúng ta cần có những giải pháp gì để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phấn đấu đến những mức cao hơn?
Ông Trần Xuân Định: Năm 2017, tốc độ tăng của ngành hàng này cực kỳ ấn tượng với sự đột phá liên tục trong 3-4 năm gần đây; giá trị xuất khẩu từ dưới 1 tỷ USD năm 2012 đã qua mốc 1 tỷ USD rồi tiếp cận 2 tỷ USD, qua 3 tỷ USD và năm 2018 là 3,8 tỷ USD.
Đây là ngành hàng rất kỳ vọng trong tái cấu trúc trồng trọt, năm 2013 chúng tôi đã xác định nó sẽ trở thành mũi nhọn trong tái cơ cấu, và điều đó hoàn toàn đúng sự thực như đã diễn ra từ 2014 đến nay. Năm 2019, tôi tin rằng ngành hàng này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó có nhiều giải pháp cần quan tâm.
Thứ nhất là rà soát, quản lý vùng trồng, không để tình trạng tự phát và phá vỡ quy hoạch, phát triển “nóng”. Hai là nâng cao chất lượng và quản lý tốt chất lượng cây giống. Ba là hoàn thiện các gói kỹ thuật cho các loại cây ăn quả chủ lực, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hướng vào chất lượng và an toàn, nâng cao giá trị. Bốn là, rà soát cấp mã vùng trồng và minh bạch thông tin sản xuất, vùng trồng, hộ trồng cho từng lô sản phẩm trên nền tảng áp dụng công nghệ thông tin; giám sát, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc gồm cả sản phẩm và cây giống đầu dòng bằng mã QR code. Năm là, chế biến và chế biến sâu sản phẩm, tăng tỷ trọng xuất khẩu bằng sản phẩm rau quả chế biến giúp vừa tăng nhanh giá trị trong chuỗi, vừa giải quyết công ăn việc làm, đồng thời góp phần giảm bớt lo ngại hàng rào kỹ thuật khi mà các bạn hàng lớn sẽ đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Sáu là thực hiện quản lý dịch bệnh chặt chẽ.
PV: Năm 2019, lĩnh vực trồng trọt đề ra mục tiêu cán đích giá trị xuất khẩu nông sản 21 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018, trong bối cảnh nhiều khó khăn, biến động của giá cả thị trường, tác động của thiên tai, sâu bệnh, xin ông cho biết lĩnh vực trồng trọt sẽ triển khai giải pháp gì để đạt được mục tiêu đề ra?
Ông Trần Xuân Định: Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra với lĩnh vực trồng trọt về giá trị xuất khẩu nông sản là 21 tỷ USD, quả là một mục tiêu khá cao, khó, nhưng cũng không phải là không khả thi. Cái khó ở đây là trồng trọt vốn là “công xưởng” ngoài trời, vì vậy phụ thuộc và chịu tác động rất lớn của thời tiết khí hậu. Mà như chúng ta đã thấy, biến đổi khí hậu nhanh, mạnh và bất thường hơn chúng ta tính. Khó nữa là kết quả đạt được của năm 2018 rất thành công, năm 2018 đã là đỉnh cao của hơn 10 năm gần đây, vượt qua cột mốc này không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà mấy năm gần đây luôn ở ngưỡng giá thấp như: cao su, cà phê, hạt tiêu… Sản lượng các mặt hàng này sẽ gia tăng do chúng ta ổn định diện tích và tái canh tốt, nhiều diện tích cao su vùng Tây bắc bắt đầu vào khai thác, chế biến sâu các sản phẩm này cũng đã được khởi động, thay vì xuất nguyên liệu thô, chúng ta sẽ xuất sản phẩm chế biến, rủi ro giá thấp do nguyên liệu dư cung sẽ bớt dần.
Ngành hàng rau, quả sẽ tiếp tục vươn tới con số trên 4 tỷ USD và hy vọng sẽ đạt 4,5 tỷ USD, thậm chí cao hơn với lý do chúng ta tiếp tục thành công trong mở cửa thị trường, và tiếp tục khai thông thị trường, xuất khẩu vào các thị trường chủ lực. Tất nhiên trong kế hoạch và chỉ đạo chúng ta phải đáp ứng tốt hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu, đặc biệt việc định vị, cấp mã vùng trồng, tổ chức sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn nông sản, và minh bạch các thông tin sản xuất, các lô sản phẩm và truy xuất tốt được nguồn gốc. Sản phẩm ngành hàng rau quả sẽ có cơ hội xuất khẩu ổn định và tốt hơn với một loạt các nhà máy chế biến sâu sẽ đi vào hoạt động, chế biến trong năm 2019.
Mặt khác, chúng ta sẽ tiếp tục quan tâm tới ngành hàng sắn, một loại sản phẩm “tỷ đô” trong mấy năm qua, nhưng năm 2018, mặc dù giá sắn đã nhích lên nhưng do dịch bệnh, năng suất giảm nên giá trị của mặt hàng này xuống dưới 1 tỷ USD. Các giống sắn mới với năng suất cao 35-50 tấn/ha đã được công nhận và đó là cơ hội tốt cho việc gia tăng năng suất, sản lượng mà không cần tăng nhiều diện tích; và rõ ràng cần hết sức quan tâm chú ý quản lý dịch bệnh, nhất là bệnh khảm vàng, chổi rồng trên sắn.
Ngành hàng nấm, theo tôi, nếu được chú ý đầu tư sâu, tổ chức sản xuất tốt và hoàn toàn có điều kiện để ứng dụng công nghệ cao, ngành hàng này sẽ đóng góp cho xuất khẩu trên nửa tỷ USD trong tương lai không xa. Nấm rơm, nấm linh chi, nấm mèo, một số nấm dược liệu chúng ta có điều kiện tốt để phát triển.
Như vậy, với 1,5 tỷ USD gia tăng về giá trị xuất khẩu của lĩnh vực trồng trọt thì nhóm hàng cây công nghiệp, rau hoa quả sẽ đóng góp trên dưới 1 tỷ USD gia tăng, nhóm ngành hàng cây lương thực, lúa gạo, sắn, hoa, nấm… sẽ đóng góp gia tăng từ 500-700 triệu USD.
PV: Năm 2019, lĩnh vực trồng trọt xác định sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất giữa các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn, liên kết giữa nông dân với nông dân, tổ chức nông dân với doanh nghiệp để tạo thành các chuỗi ngành hàng, xin ông cho biết, vấn đề này Cục Trồng trọt sẽ triển khai như thế nào?
Ông Trần Xuân Định: Tổ chức sản xuất là khâu then chốt, để đáp ứng được yêu cầu về khối lượng, chất lượng sản phẩm nông sản, rõ ràng không thể sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng vật tư đầu vào không được quản lý chặt chẽ, không minh bạch thông tin.
Việc liên kết sản xuất và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang hình thành ở một số tỉnh trọng điểm. Đây cũng là chương trình Bộ NN&PTNT giao Cục Kinh tế hợp tác chủ trì thực hiện; Cục Trồng trọt sẽ tích cực vận động, tuyên truyền để xây dựng các chuỗi sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, hình thành các vùng chuyên canh; quản lý tốt các yếu tố đầu vào trên các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin,…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!