BVR&MT – Bốn trong số sáu cá thể tê giác đen được đưa tới Công viên quốc gia Stephan Zakouma thuộc Cộng hòa Chad ở Nam Phi hồi tháng 5/2018 hiện đã chết.
Hai trong số những con tê giác được tìm thấy đã chết gần đây sau cái chết của hai con tê giác khác xảy ra vào tháng 10/2018.
Nhà chức trách nói rằng những con tê giác không bị săn trộm, chúng có thể đã gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống mới. Sẽ cần nhiều xét nghiệm hơn để xác định chính xác nguyên nhân tử vong.
Đáng chú ý là những cái chết ở Zakouma xảy ra chỉ vài tháng sau khi 11 con tê giác đen chết trong vài ngày khi được đưa tới Công viên Quốc gia Lam Tsavo ở Kenya vào tháng 7/2018.
Theo thông báo của Chính phủ Nam Phi, Cộng hòa Chad, Công viên châu Phi và một tổ chức phi chính phủ giúp điều hành các khu vực được bảo vệ ở 9 quốc gia châu Phi, 4 cá thể tê giác chết thuộc nhóm sáu cá thể được chuyển tới Zakouma vào tháng 5/2018 từ Công viên quốc gia Nam Phi, Addo, đánh dấu sự trở lại của tê giác đen (Diceros bicornis) tại Chad sau gần 50 năm vắng bóng.
Các nhà chức trách đã phân tích mẫu máu, mô và phân từ tê giác nhưng không thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm hoặc độc tính thực vật có thể gây nên cái chết của chúng. Có một số bằng chứng về việc tiếp xúc với trypanosome, một loại ký sinh trùng truyền sang động vật và người qua ruồi, nhưng điều này không có khả năng gây tử vong.
Điểm đáng lưu ý duy nhất là tất cả bốn con tê giác chết đều có trữ lượng chất béo thấp. Dấu hiệu này cho thấy tê giác không thích nghi với môi trường mới có thể là nguyên nhân khá tiềm ẩn, song, cần các xét nghiệm thực hiện trên não và dịch tủy sống để làm sáng tỏ hơn nguyên nhân của cái chết.
Hiện các quan chức ở Công viên và bác sĩ thú y đang theo dõi chặt hai cá thể còn lại. Họ đã tạm nhốt một cá thể và đang trong quá trình bắt cá thể tê giác cuối cùng.
Ngày nay chỉ có khoảng 5.000 con tê giác đen đại diện cho ba phân loài vẫn còn tồn tại trong tự nhiên. Chad từng nuôi dưỡng cả tê giác đen và tê giác trắng (Ceratotherium simum) nhưng nạn săn trộm tràn lan đã quét sạch cả hai loài khỏi đất nước vài thập kỷ trước. Tê giác đen được phát hiện lần cuối ở Zakouma, Công viên quốc gia lâu đời nhất Chad vào đầu những năm 1970.
Để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của tê giác đen, Công viên châu Phi đã làm việc với các cơ quan chính phủ ở Chad và Nam Phi để chuyển sáu con tê giác (hai con đực và bốn con cái) từ Addo đến Zakouma vào tháng 5/2018. Tuy nhiên, giống như sự dịch chuyển của Kenya bị thất bại vào tháng 7/2018, trong đó tất cả 11 con tê giác đen được chuyển tới đã chết, thử nghiệm ở Zakouma tiếp tục là một bài học cảnh báo cho công tác bảo tồn chuyển vị.
Minh Hiền (Theo Mongabay.com)