BVR&MT – Qua nhiều con dốc dựng đứng và cái rét đầu đông se se lạnh thoáng qua người, trước mắt chúng tôi, những vạt rừng xanh thẫm ngút tầm mắt, cánh rừng dẻ nguyên sinh đã được phục hồi, cây lát, xen kẽ lim và bạch đàn cao vài chục mét. Đó là cánh rừng được bảo vệ thành công thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là địa phận xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Được đầu tư tuyến đường Nông thôn mới nên đường đi vào xã Lục Sơn, huyện Lục Nam khá thuận lợi. Men theo một cái hồ rộng, nước trong xanh, qua mấy tán cây um tùm, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đến cánh rừng dẻ giữa thung lũng hẹp, chung quanh là nhiều cánh rừng xanh. Những cây dẻ xanh, xa hơn là vải, mít và nhiều cây trồng khác.
Xã Lục Sơn có gần 8,5 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 2,4 nghìn ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Toàn bộ diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo nguồn sinh thủy dồi dào, môi trường trong lành hiếm nơi nào có được.
Thực hiện nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, năm 2018, xã Lục Sơn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018.
Cả xã chung tay bảo vệ rừng
Xã Lục Sơn có 17 thôn, giao thông đi lại đa số là đường đất đồi, chính vì thế, để bảo vệ rừng, chính quyền xã luôn xác định cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết, ngoài tích cực tuyên truyền, tổ chức ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hằng năm, xã chú trọng củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hiện 17/17 thôn đều thành lập tổ bảo vệ, mỗi tổ 5 người. Riêng xã có một tổ bảo vệ với 14 thành viên, phối hợp trực tiếp với Trạm Kiểm lâm Đồng Đỉnh bảo vệ rừng tự nhiên và đặc dụng. Từ đó, các thành viên duy trì tổ chức tuần tra, ít nhất mỗi tuần hai lần, tùy theo tình hình. Kịp thời phát hiện các vi phạm, cảnh báo những điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Anh Úy – Trạm Kiểm lâm Đồng Đỉnh cho biết: “Ngoài hướng dẫn người dân về công tác PCCCR, vào mùa khô hanh, cán bộ của Trạm còn giúp bà con làm đường băng cản lửa tại khu rừng trồng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn tham mưu với chính quyền địa phương các thức bảo vệ rừng, thường xuyên sát sao địa bàn, lực lượng chức năng, chính quyền sở tại, bà con luôn tuân thủ quy ước về bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá, khai thác lâm sản trái phép. Nhiều năm qua, rừng của Lục Sơn, đặc biệt là diện tích rừng đặc dụng thuộc địa bàn được giữ vững”.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là nơi bảo tồn phục sinh rừng dẻ với diện tích hơn 20 ha. Băng qua những cánh rừng keo gần 10 năm tuổi đang lên thẳng tắp, là những vạt rừng dẻ xanh (giống dẻ đặc sản của huyện Lục Nam đang đăng ký nhãn hiệu quốc gia) trùng điệp màu xanh. Nhiều cây có đường kính từ 20 đến 30 cm, đó là minh chứng của sự phục hồi rừng tự nhiên sau nhiều năm bị tàn phá do “mở cửa rừng”.
Nguồn lợi từ rừng
Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên Lục Sơn có nguồn sinh thủy dồi dào, tạo nguồn nước tự nhiên trong mát. Vì thế, suối Nước Vàng dưới chân núi Phật Sơn – Yên Tử quanh năm chảy róc rách, trong lành. Từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn con suối này có hơn chục thác nước lớn nhỏ như: Thác Anh Vũ, thác Mây, thác Giót, thác Nước Vàng.
Dưới mỗi thác là những thung lũng nước, được ví như những “bồn tắm thiên nhiên”. Vẻ đẹp thiên tạo ấy thu hút hàng nghìn lượt du khách đến đây mỗi năm. Tận dụng lợi thế này, chính quyền địa phương đã thành lập một tổ bảo vệ và đội thanh niên tình nguyện, vừa bảo vệ rừng, vừa bảo đảm an ninh cho khách du lịch. Tới đây, xã chuẩn bị cứng hóa tuyến đường liên thôn dài hơn 4 km nối đến cửa rừng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Đồng chí Úy – Trạm kiểm lâm Đồng Đỉnh kể: Hướng phát triển rừng của xã Lục Sơn là kết hợp trồng rừng và làm trang trại chăn nuôi, nhằm xóa đói, giảm nghèo phù hợp chủ trương chung. Trang trại – rừng của trên địa bàn xã Lục Sơn nhiều lắm, đi tham quan cả ngày không hết, phát triển nhanh, ngoài cây lâm nghiệp, nuôi ong, dê và trồng cây ăn quả, lại trồng hoa màu để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Ngoài trồng rừng công nghiệp như bạch đàn, keo, nhiều hộ khoanh nuôi những cây bản địa như dẻ, lim, lát để tính kế lâu dài. Cây dẻ mang lại cho người dân một khoản thu không nhỏ mỗi năm, nhờ nuôi ong và bán hạt. Nhận thấy nguồn lợi lớn từ loại cây này, người dân trong xã cùng cán bộ kiểm lâm luôn có tinh thần âm thầm bảo vệ rừng dẻ, vào rừng dẻ cổ thụ giáp ranh hai xã Tam Dị và Bảo Sơn các chủ rừng khác cũng được bảo vệ. Như đàn kiến tha lâu đầy tổ, rừng thuộc xã Lục Sơn ngày càng được mở rộng.
Đến mùa hạt dẻ, cả xã dọn sạch dưới tán, quả chín rụng xuống, gặp nắng hanh tự vỡ, chỉ cần gom, sàng sảy đóng bao, thương lái đến tận nơi thu mua. “Ấy là cách để rừng nuôi người và tự nuôi rừng, doanh thu từ rừng của xã Lục Sơn năm 2018 là hơn 8 tỷ đồng” – ông Thể vui mừng, phấn khởi nói. Một trong những kỳ tích của xã Lục Sơn đó là phục hồi, bảo vệ rừng dẻ hơn 20 ha, để bảo tồn đăng ký nhãn hiệu hạt dẻ hướng dẫn địa lý đặc sản vùng miền.
Phương châm bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế của xã Lục Sơn là vận động bà con địa phương tham gia bảo vệ những cánh rừng khỏi giặc lửa. Trước kia, vào mùa khô, người dân lại đốt rừng, phát quang để sang xuân có cỏ chăn gia súc và làm nương. UBND xã và trạm kiểm lâm Đồng Đỉnh đã chủ động tuyên truyền vận động người dân cùng bảo vệ rừng. Mưa dầm thấm lâu, số lượng người dân ngày càng tăng. Công sức với rừng của UBND xã Lục Sơn đã được UBND tỉnh Bắc Giang ghi nhận và tặng giấy khen và bằng khen tới chủ tịch xã với: “Đã hoàn thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018”.
Chỉ tay về những cánh rừng xanh mướt, Đồng chí Úy – Trạm kiểm lâm Đồng Đỉnh vui mừng chia sẻ: Những ngày đầu khó khăn, sự quyết tâm cao của kiểm lâm địa bàn, cùng với sự chủ động từ UBND xã Lục Sơn, tuyên truyền vận động người dân trong vùng nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, cách thức sản xuất phát triển kinh tế nhờ trồng rừng. Quyết tâm đó đã giúp tôi thêm nghị lực quyết tâm vào rừng, bảo vệ rừng, giữ rừng, như là giữ phúc đức cho con cháu. Thành công lớn nhất của tôi là nhìn thấy những tán rừng dẻ xanh ngút ngàn…
Tây Yên Tử hôm nay đã có nhiều chuyển biến hơn xưa. Rừng nguyên sinh cộng hưởng cùng danh lam thắng cảnh, suối nước trong lành tạo nên một quần thể rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái tại Lục Sơn. “Danh sơn dày trần tích văn hóa lịch sử” – Tây Yên Tử chính là “quả ngọt” của xã Lục Sơn, do chính những người con của rừng xanh bảo vệ và phát triển.
Văn Trì