Các công ty coi nhẹ nguy cơ gây mất rừng trong chuỗi cung ứng

Những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung từ nông phẩm như thịt bò, dầu cọ, gỗ nguyên liệu làm giấy và đậu nành có thể sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu do chuỗi nguyên liệu đầu vào có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nạn chặt phá rừng. Hai báo cáo của CDP (Carbon Disclosure Project) và GCP (Global Canopy Programme) khẳng định.

CDP là dự án phi lợi nhuận đặt trụ sở tại London, hoạt động với mục tiêu cung cấp hệ thống thông tin toàn cầu về môi trường để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định đầu tư. Dự án có tổng quỹ 22 tỷ USD, đại diện cho 365 nhà đầu tư, đã phân tích dữ liệu mở của 187 công ty có chiến lược quản lý rủi ro do phá rừng.

Theo phân tích, những tập đoàn lớn, bao gồm cả các công ty chuyên về sản phẩm tiêu dùng như Colgate Palmolive, L’Oréal, chuỗi cửa hàng McDonald, Marks & Spencer hay Archer Daniels Midland and Bunge cũng phải phụ thuộc vào nguồn cung 4 loại nông phẩm chịu tác động từ phá rừng bao gồm sản phẩm từ gia súc, dầu cọ, đậu nành và sản phẩm từ gỗ. Các loại hàng hóa này chiếm tới gần ¼ tổng doanh thu của họ.

Mặc dù mức doanh thu phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm từ nông nghiệp nhưng chỉ 42% công ty tham gia khảo sát của CDP có tính đến mức độ dồi dào hoặc chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào khi xây dựng chiến lược phát triển cho 5 năm tới. Việc đưa yếu tố này vào giúp các công ty chủ động đánh giá những rủi ro tiềm tàng do ảnh hưởng từ biến đổi khi hậu; chất lượng, giá cả, nguồn cung; các quy định pháp luật và rủi ro với uy tín của thương hiệu vì các hoạt động sản xuất bị giám sát kỹ hơn.

Hơn 80% các công ty chế biến nông phẩm đứng đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu cho biết trong 5 năm qua, việc vận hành doanh nghiệp của họ bị ảnh hưởng từ việc phá rừng và họ đã phải thay đổi hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, báo cáo của Công ty thực phẩm toàn cầu Marfrig cho thấy tình hình hạn hán đã khiến chi phí sản xuất bị đội lên, sản lượng thịt bò thụt giảm ở Brazil.

Bà Katie McCoy, người phụ trách vấn đề liên quan đến rừng của dự án CDP cho rằng: “Các công ty cần đánh giá mối liên kết giữa độ bền vững của các sản phẩm với tình trạng phá rừng, từ đó xây dựng một kế hoạch phát triển cân bằng. Có thể ví chuỗi cung như hiệu ứng Domino, nếu sản phẩm không bền vững được đặt ở hàng đầu trong chuỗi thì sẽ gây ảnh hưởng cộng hưởng về sau. Đánh giá sai sẽ gây ra tai tiếng, bị khách hàng tẩy chay, phản đối và bị giám sát chặt chẽ hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp.”

Nhiều công ty đã nhận thức được điều này và tham gia vào đánh giá của CDP trong đó có L’Oreal, Nike, Virgin Atlantic Airways LLC và Unilever. Đây cũng là những công ty trong hơn 360 công ty Hoa Kỳ từng ký thư đệ trình kêu gọi Tổng thống Donald Trump không rút khỏi Công ước Paris về biến đổi khí hậu vì nó ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của họ trong tương lai.

Rừng bị phá để trồng cọ ở Sabah, Borneo (Ảnh: Mongabay.com)

Bên cạnh đó, báo cáo “Rừng 500” 2016, của GCP (Chương trình nghiên cứu về rừng quốc tế có trụ sở tại London) cũng chỉ ra rằng, tuy các công ty đã ra sức cam kết hành động để loại bỏ việc phá rừng ra khỏi chuỗi cung ứng nhưng vẫn chưa giải quyết được các vấn đề cấp thiết về biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt. GCP đã theo sát những chính sách liên quan tới việc gây mất rừng của các bên có tầm ảnh hưởng nhất là các công ty, chính phủ và các định chế tài chính.

Theo bảng xếp hạng này, 11% các công ty có chính sách mới tính đến tình trạng phá rừng hoặc cải thiện các chính sách hiện hành nhưng 57% trong số đó có chính sách khá lỏng lẻo hoặc không hề có chính sách nào liên quan đến phá rừng do hoạt động của công ty. Hơn nữa, trong suốt 3 năm qua, số lượng các công ty quan tâm tới vấn đề này chỉ tăng thêm 5% và chỉ 11%  trong số đó đang cam kết thực hiện; và gần 60% công ty chỉ giới hạn vùng cụ thể hoặc chỉ bao quát được một phần chuỗi cung của mình.

Cũng theo báo cáo, chính sách này cũng chưa rõ ràng đối với bộ phận công ty có chuỗi cung sản phẩm từ gia súc. Chỉ 26% các công ty có chính sách thể hiện sự quan tâm tới mối quan hệ giữa môi trường và sản xuất, thương mại và nguồn cung như các ngành liên quan tới da hay thịt bò.

Cũng theo báo cáo, những quốc gia có rừng nhiệt đới đang ngày càng quan tâm và cam kết tìm hiểu giữa chặt phá rừng với các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Hoa Kỳ chưa thực hiện mạnh mẽ các cam kết. Đức và Hà Lan là những quốc gia nhập khẩu duy nhất trong chương trình “Rừng 500” phổ biến rộng rãi việc sử dụng sản phẩm bền vững hoặc có sáng kiến nhập khẩu sản phẩm bền vững trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo của GCP chỉ ra rằng 3% tổng số định chế tài chính cam kết gạt các dự án liên quan tới phá rừng ra khỏi danh mục đầu tư và 25% có chính sách đầu tư, cho vay đối với một vài thương phẩm. Dưới 1/5 trong số 150 định chế chính đánh giá có chính sách để bảo vệ giá trị nguyên sơ của rừng.

Tuy nhiên, 75% những công ty được vay, với số tiền vay 64 tỷ USD, không có chính sách bảo vệ rừng hoặc chính sách tương đương. Các công ty chế biến, sản xuất, thương mại không có chính sách rõ ràng, trong khi các định chế tài chính có chính sách nhưng thực thi chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo Rừng 500 năm 2016 cũng ghi nhận có 3 công ty đáng khích lệ là Colgate-Palmolive (Mỹ), Marks (Anh) và Spencer, Orkla Group (Na Uy) đạt được 5 điểm tuyệt đối.

Ba định chế tài chính cũng đạt thang điểm đứng đầu là Ngân hàng Deutsche (Đức), HSBC (Anh) và  BNP Paribas (Pháp) khi truyền tải thông điệp rõ ràng tới khách hàng để thực hiện cam kết đấu tranh với nạn phá rừng, bảo vệ tài nguyện đất với giá trị văn hóa, sinh thái và xã hội cao.

Theo báo cáo, có 18/25 quốc gia và 7/10 địa phương được khảo sát có chính sách ứng phó với việc giảm diện tích rừng, mở rộng phạm vi bảo vệ và bảo vệ đa dạng sinh học.

Bà Sarah Lake, người đứng đầu chương trình chuỗi cung ứng của GCP cho rằng: “Mặc dù công tác bảo vệ rừng đang tiến triển và có nhiều cam kết hơn nhưng chưa thực sự tạo ra thay đổi đáng kể. Cần rà soát lại những lỗ hổng trong các chính sách gây ra ảnh hưởng sâu sắc hơn tới môi trường, xã hội với từng khu vực địa lý và cô lập những chuỗi cung ứng kém bền vững”

Nguyễn Sen (Theo Mongabay.com)

Tags:
CHIA SẺ