BVR&MT – Sau bốn năm thực hiện “Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ngành chăn nuôi của tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ðiều quan trọng hơn là tạo ra nếp nghĩ, cách làm mới trong chăn nuôi để mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Trước đây, tại Quảng Bình chủ yếu là hình thức chăn nuôi tập trung tại nông hộ, manh mún và theo phương thức tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Ðàn bò chủ yếu là bò cóc, bò vàng địa phương, thể trạng nhỏ bé, thời gian nuôi dài, hiệu quả thấp. Vì vậy, tỷ trọng và giá trị của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 25 – 30%. Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ trọng và nâng cao giá trị lĩnh vực này.
Cùng với việc triển khai “Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, tỉnh Quảng Bình ban hành thêm các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tỉnh ưu tiên về đất, đầu tư về hạ tầng và tạo các điều kiện khác để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp. Từ năm 2016, tại Quảng Bình đã xuất hiện các dự án chăn nuôi bò thịt quy mô lớn sử dụng giống nhập ngoại và quy trình nuôi khép kín như dự án chăn nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình với quy mô 29 nghìn con; dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Quảng Bình Milk với quy mô 10 nghìn con, Công ty Lê Dũng Linh liên doanh với một doanh nghiệp Nhật Bản chuẩn bị nuôi bò Kô-bê…
Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều hộ dân cũng đầu tư trang trại nuôi hàng trăm con bò thịt, liên kết nuôi vỗ béo bò hoặc chuyển dần từ nuôi bò giống địa phương sang bò lai mang lại hiệu quả cao. Ðây được xem là bước đột phá trong phát triển chăn nuôi của nông dân Quảng Bình sau rất nhiều năm gắn bó, quen thuộc với giống bò “cỏ” địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp để cải tạo chất lượng đàn bò thay thế giống bò còi cọc của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Huyện đã ban hành các chính sách phát triển chăn nuôi như: hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi bò lai 50% máu ngoại và tổng đàn thường xuyên có từ năm con trở lên với mức 300 nghìn đồng/con; hỗ trợ trang trại chăn nuôi 30 triệu đồng/trang trại/năm”. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp, trạm thú y, khuyến nông huyện phối hợp UBND các xã chú trọng tuyên truyền về đề án cải tạo đàn bò đến từng hộ để thay đổi nhận thức và cách làm trong chăn nuôi; hợp đồng cung ứng vật tư phối giống bảo đảm chất lượng; đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Nhờ vậy đến cuối năm 2018, tổng đàn bò ở Tuyên Hóa có gần 19 nghìn con, trong đó đàn bò lai chiếm hơn 65%, trở thành một trong hai địa phương có tỷ lệ bò lai dẫn đầu tỉnh Quảng Bình. Ông Trần Nhường ở thị trấn Ðồng Lê, huyện Tuyên Hóa đã hàng chục năm nuôi bò giống cũ địa phương cho nên thu nhập không cao. Sau khi được tập huấn, tuyên truyền về chính sách cải tạo chất lượng đàn bò, năm 2014, gia đình ông mua hai con bò cái lai sind về nuôi. Ông còn được Trạm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau đó, ông Nhường có hai con bê lai và xuất bán mỗi con hơn 15 triệu đồng/con. Ông Nhường so sánh, nếu với bê giống địa phương chỉ năm, sáu triệu đồng thì bê lai mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Việc phát triển chăn nuôi bằng đàn bò lai giúp gia đình ông Nhường có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Theo ông, hiện nhiều người ở địa phương đã cho lai giống giữa bò đực lai với bò cái địa phương tạo ra dòng bê con hội đủ những ưu điểm của cha mẹ, thích nghi tốt với khí hậu, vừa tăng trưởng nhanh và chất lượng thịt được thị trường đánh
giá cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Mai Văn Minh, ba năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh không những phát triển về số lượng mà chất lượng cũng được nâng cao, nhất là việc cải tạo chất lượng đàn bò góp phần làm tăng tỷ lệ bò lai đạt hơn 45% năm 2018. Các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi mới cũng đã được các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đưa vào áp dụng góp phần phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðáng chú ý, tại địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn, tạo ra “lực đẩy” chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Ðồng chí Mai Văn Minh cho biết thêm, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52% giá trị sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ đàn bò lai hơn 50%, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. UBND tỉnh Quảng Bình ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích phát triển chăn nuôi như: hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo bò, phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò, chăn nuôi trang trại tập trung. Ngoài ra, các huyện cũng có chính sách hỗ trợ riêng để động viên, khích lệ người nông dân phát triển đàn bò và lợn lai. Hiện, tại tỉnh Quảng Bình có hơn 2.500 ha diện tích trồng ngô, cỏ làm thức ăn chăn nuôi và ngày càng được mở rộng nhờ có sự tham gia của một số dự án chăn nuôi bò quy mô lớn. Trong tỉnh cũng đã hình thành hàng chục tổ hợp tác chăn nuôi bò lai sinh sản và nuôi bò vỗ béo với gần hàng nghìn hộ
tham gia.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Quảng Bình, ngoài chính sách hỗ trợ của các địa phương, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn nữa lợi ích của việc nuôi bò lai. Bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò, cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến với người chăn nuôi để tạo thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ. Về lâu dài, tỉnh cần xây dựng được đàn bò nái nền giống ngoại, bởi nếu chỉ dừng lại ở việc tạo ra con lai F1 làm bò thịt sẽ gây ra sự lãng phí năng lực sinh sản của đàn bò và năng suất thịt thấp.