BVR&MT – Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là dự án hàng đầu của Trung Quốc để tạo cơ sở hạ tầng cho kết nối thương mại với thế giới.
BRI gần như theo bước và mở rộng Con đường tơ lụa cũ trên đất liền (vành đai) và bổ sung một phần bằng hàng hải (con đường) để xây dựng một loạt các hành lang kinh tế với mục tiêu thúc đẩy thương mại và kích thích tăng trưởng kinh tế trên khắp châu Á, châu Âu và Đông Phi.
Ở Nam Á, phần lớn nhất của BRI là Hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc (CPEC), qua đó Trung Quốc cấp vốn cho một loạt các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng. Mặc dù khó xác định con số chính xác nhưng Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ USD vào CPEC dưới dạng trợ cấp và các khoản vay mềm.
Dự án đã gây tranh cãi kể từ khi được công bố vào năm 2015 vì một phần CPEC đi qua bang Jammu & Kashmir – vùng mà cả Ấn Độ và Pakistan đều coi là lãnh thổ của mình dù mỗi nước chỉ kiểm soát một phần.
Tuy nhiên, trong khi chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh CPEC vi phạm chủ quyền quốc gia thì các đảng chính trị Ấn Độ ở bang Jammu & Kashmir lại yêu cầu Kashmir phải là một phần của CPEC. Chẳng hạn cựu thủ hiến Mehbooba Mufti đã nhiều lần nêu yêu cầu này trong những tháng gần đây. Bà tiếp tục nhắc lại đề nghị này trong buổi diễn thuyết về Kashmir do một think-tank là Quỹ nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Foundation) tổ chức tại Mumbai vào tháng 12/2018. Bà cho rằng việc đưa Kashmir vào hành lang kinh tế sẽ là cơ hội cho bang và “không phải là mối đe dọa an ninh như nhận định của các chuyên gia an ninh và các nhà hoạch định chính sách”.
Trung Quốc và Pakistan đã mời Ấn Độ tham gia CPEC nhưng chính phủ Ấn Độ từ chối. Tháng 4/2018, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố rằng cái gọi là CPEC “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ”.
Nguồn nước sẽ dẫn đến hợp tác?
Bất chấp những rào cản chính thức để hợp tác, cuộc khủng hoảng nước ngày càng tăng ở khu vực và còn trầm trọng hơn bởi con đường phát triển đang được các nước theo đuổi có thể buộc các bên phải hợp tác với nhau. Một báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận China Water Risk có trụ sở tại Hồng Kông công bố vào tháng 9/2018 tiết lộ rằng Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan “chỉ đơn giản là không có đủ nước để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng”, cộng thêm việc phát triển theo mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu hiện nay.
Điều này trở nên rõ ràng hơn khi nguồn của nhiều con sông châu Á, bao gồm các con sông chung như sông Ấn, sông Hằng, Brahmaputra và Mê Công, đều ở khu vực Himalaya. Biến đổi khí hậu khiến việc chia sẻ nước trong khu vực mang lại cả cơ hội và thách thức.
Theo Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, sự hợp tác về tài nguyên nước dùng chung đã bắt đầu xảy ra do nhu cầu cùng quản lý nước.
“Việc Trung Quốc nổi lên như một người sử dụng tích cực các con sông ở dãy Himalaya trong những năm gần đây đang dần thúc đẩy Ấn Độ có khuynh hướng hài hòa hơn và xây dựng sự hợp tác về nước với các quốc gia láng giềng ở Nam Á, đặc biệt là trong lưu vực sông Hằng-Brahmaputra”, ông nói.
Các nước láng giềng thường phàn nàn về hành vi bá quyền của Ấn Độ đối với những nước nhỏ hơn. Cánh cửa của một quốc gia lớn khác có thể mở đường cho sự đối xử công bằng hơn – nếu họ có thể hợp tác.
Pakistan và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận chia sẻ nước sông Ấn – Hiệp ước nước sông Ấn – vào năm 1960 nhưng hiệp ước này không bao gồm hai quốc gia ven sông khác – Trung Quốc và Afghanistan – có chung lưu vực sông Ấn.
“Ở lưu vực sông Ấn, hiệp ước hợp tác (Hiệp ước nước sông Ấn) nên kết hợp với hai quốc gia ven sông khác là Trung Quốc và Afghanistan. Chỉ hợp tác với Trung Quốc là tốt nhưng có thể bị Ấn Độ phản đối vì sợ Trung Quốc và Pakistan vào hùa chống lại nước này. Thêm cả Afghanistan sẽ khiến Ấn Độ thấy thoải mái và hướng tới hợp tác nước sông Ấn dựa trên lưu vực”.
Việc quản lý nước sông Ấn sẽ có tác động quan trọng đến Pakistan vì phần lớn nước ngọt của nước này đến từ lưu vực sông Ấn. Do đó, nó cũng sẽ có tác động gián tiếp đến CPEC.
Swain chỉ ra rằng việc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu dòng chảy sông Brahmaputra với Ấn Độ là hành vi hợp tác và cần được thúc đẩy trong tất cả các lưu vực sông xuyên biên giới.
“Ở lưu vực sông Ấn, ít nhất Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan nên thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ dữ liệu dòng chảy con sông. Trong hợp tác nước xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu là một mục tiêu dễ đạt tới, nhưng thật không may, các nước thượng nguồn luôn miễn cưỡng vì họ có ý định sử dụng nó như một [con bài mặc cả] trong các cuộc đàm phán song phương”, Swain phân tích.
Shakil Ahmad Romshoo, trưởng khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Kashmir, nói rằng Ấn Độ và Pakistan nên đồng ý trao đổi dữ liệu theo thời gian thực về dòng chảy và khí hậu. Phần lớn nước mà Pakistan cần đều chảy qua lãnh thổ Ấn Độ nên dữ liệu thời gian thực như vậy có thể rất thiết yếu trong việc giúp Pakistan lên kế hoạch ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt.
“Đây là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng giữa hai nước và sẽ giành được thiện cảm của Pakistan cùng cộng đồng quốc tế với Ấn Độ”, ông nói.
Theo Daanish Mustafa, một học giả người Pakistan giảng dạy chính trị và môi trường tại trường King’s College London, Pakistan muốn có dữ liệu dòng chảy thời gian thực và thông báo kịp thời về bất kỳ dự án phát triển cơ sở hạ tầng nào từ thượng nguồn [lưu vực sông Ấn] chảy vào Pakistan. Ông cho rằng việc chia sẻ luồng dữ liệu thời gian thực là “không có gì phải làm” với những lo ngại về an ninh.
“Tôi không thể tưởng tượng bất kỳ mối lo ngại an ninh chính đáng nào trong lĩnh vực này. Ngoài ra, nếu ai đó hiểu biết về nước, an ninh hóa về nước [phần lớn] thường được dựa trên sự thiếu hiểu biết cơ bản về thủy văn, cũng như là một phương tiện để phục vụ các chương trình nghị sự của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến”.
Romshoo cũng cho biết CPEC “sẽ có tác động đáng kể” đối với môi trường chính trị và ngoại giao ở Nam Á. “Ấn Độ nhận thức được điều đó và cần sử dụng sáng kiến để cải thiện tình hình an ninh trong khu vực”. Thật không may, ông lập luận, có rất ít cuộc thảo luận công khai về cách CPEC có thể là đòn bẩy cho thiện chí lớn hơn từ Ấn Độ. Trên thực tế, nhiều chuyên gia ở Ấn Độ đã bác bỏ ý tưởng như vậy.
“Nếu bạn nhìn vào lịch sử quan hệ Pakistan-Trung Quốc, nó chủ yếu dựa vào mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” của cả hai nước với Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, còn khá sớm để xem xét rằng BRI sẽ tạo cơ hội cho ba nước hàn gắn quan hệ và xây dựng sự nhất trí đối với các dự án được lên kế hoạch trong đó”, theo Priyanka Singh, thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA), một think-tank quốc phòng được chính phủ Ấn Độ tài trợ. Sự hăng hái giữa ba quốc gia kể từ khi công bố các dự án BRI còn xa mới được coi là chân thành, đặc biệt là liên quan đến một phần của CPEC đi qua Kashmir, vùng lãnh thổ được Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, một số người cảm thấy rằng Ấn Độ nên cân nhắc tham gia CPEC nếu kế hoạch được mở rộng để liên kết hành lang với Trung Á. Deepankar Sen Gupta, giảng viên kinh tế tại Đại học Jammu nói rằng tiềm năng của CPEC cho nền kinh tế Ấn Độ là rất lớn, nước này nên chọn tham gia dựa trên cơ sở những sửa đổi nhất định.
“Nếu CPEC chỉ đơn thuần một hành lang kinh tế từ Tân Cương đến Gwadar thì dĩ nhiên không có nhiều điều mà Ấn Độ có thể mong đợi. Mặt khác, nếu hành lang này có đường nhánh/đường ống dẫn dầu/đường điện từ Trung Á đến Ấn Độ thì Ấn Độ sẽ tiếp cận với các nguồn năng lượng Trung Á, cả dầu mỏ và thủy điện từ Kyrgyzstan và Tajikistan”, Sen Gupta nói.
Muhammad Amir Rana, giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Pak (PIPS) nói rằng CPEC sẽ đưa ba nước láng giềng đến gần nhau hơn và tạo cơ hội cho sự tham gia mang tính xây dựng. BRI là một sáng kiến hội nhập kinh tế địa lý và nếu Ấn Độ tham gia, nó có thể chứng minh là một kênh hiệu quả để xây dựng niềm tin giữa Ấn Độ và Pakistan, sẽ cung cấp cơ hội tốt hơn để thảo luận về các tranh chấp song phương, bao gồm các vấn đề về nước.
Hợp tác đang tiếp diễn
Hiện đã có sự hợp tác liên tục giữa Ấn Độ và Trung Quốc về một số vấn đề về nước. Ví dụ, các học giả Trung Quốc hiện là một phần của Đối thoại Brahmaputra gồm bốn quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Bhutan để thảo luận về các vấn đề phát triển lưu vực. Mặc dù đây là một sáng kiến của một NGO – Trung tâm Quốc tế về Phát triển và Hội nhập Miền núi (ICIMOD), tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Kathmandu, song đã có nhiều cấp độ hợp tác chính thống hơn với đại diện chính phủ.
ICIMOD đã thúc đẩy Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Afghanistan hợp tác với nhau ở thượng nguồn sông Ấn cũng như hợp tác xuyên biên giới giữa Afghanistan, Trung Quốc, Pakistan và Tajikistan để bảo tồn đa dạng sinh học trong Mạng lưới Ban-e-Dunya – và đây có thể là mô hình mà Nam Á nên theo.
Ngoài ra, ICIMOD cũng làm việc với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu thuộc Chương trình giám sát và đánh giá khu vực Hindu Kush Himalayan (HIMAP). Đây là nỗ lực hợp tác của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu về khu vực chưa được nghiên cứu nhiều – Hindu Kush Himalaya – cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và là khởi nguồn lưu vực của các con sông Ấn, Hằng, Brahmaputra, Mê Công, Hoàng Hà và Dương Tử. Những nỗ lực như vậy cho thấy sự hợp tác hơn nữa là có thể. Câu hỏi thực sự duy nhất là liệu có ý chí chính trị để biến điều này thành thực hiện?
Nhật Anh (Theo Thethirdpole)