BVR&MT – Đó là Z’lao, ngôi làng xa nhất của xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Z’lao trở thành ngôi làng “4 không” biệt lập bên lòng hồ thủy điện A Vương từ năm 2006. Chúng tôi vượt rừng đến Z’lao phải vượt hàng chục cây số đường ngoằn ngoèo với một bên là núi đá cheo leo, một bên là vực sâu mới thấy Z’lao hiện ra bên dãy Trường Sơn hùng vỹ.
“Nhặt” chuyện ở Z’lao
Dù từ xa phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chúng tôi đã nhìn thấy được Z’lao nhưng phải đi thêm đường đất, băng qua cây cầu treo nhỏ rung bần bật dưới bánh xe, đến được bìa rừng, bỏ lại xe lại, lội bộ. Rồi nóc nhà đầu tiên của làng cũng hiện ra trước mắt yên bình đến lạ thường.
Nói Z’lao là ngôi làng bình yên, không có tiếng động cơ cũng đúng, bởi chẳng chiếc xe máy nào bò được tới làng. Làng cũng chẳng có âm thanh của ti vi, dàn hát karaoke như một số ngôi làng miền núi, bởi chưa hề có điện. Như cái gươl làng mà chúng tôi ngồi đây, cũng tuềnh toàng, dột nát mỗi khi mưa đổ, cả cái tivi vừa được huyện tặng cho làng (!) cũng không thể để ở gươl vì mưa dột.
Nghe tôi hỏi chuyện điện, một thanh niên vừa đến gươl làng lập tức nói: “Điện đóm gì có, chỉ có điện thủy luân dân tự bắt tại suối thôi, nhưng điện yếu lắm, lúc có lúc không”. “Ngoài cây cầu treo, bà con mình đi tới làng bằng đường nào nữa?”. “Chỉ có thể đi ghe trong lòng hồ (một dạng ghe đục từ thân cây lớn), nhưng sóng lớn lắm, hay chìm ghe, may mà chưa có vụ nào chết người” – anh thanh niên đáp.
Các anh Bí thư Chi bộ thôn, trưởng thôn, công an viên của thôn cùng đưa chúng tôi đến nhà già Bríu Le – nguyên Chủ tịch xã Dang. “Bữa nay còn đi bộ vào đây được, chứ ít hôm nữa mưa xuống, muốn vào Z’lao chỉ có ngồi thuyền độc mộc” – già Bríu Le mở đầu câu chuyện. Những nỗi niềm của già Bríu Le về cảnh làng Z’lao trải ra. Người Z’lao đã học cách sống chung với cảnh không điện, không đường, không trường, không trạm. Trong ký ức của già Bríu Le và người dân Z’lao, ngôi làng nhỏ nằm sát dòng sông lớn này vốn xinh đẹp, thơ mộng. Sông từng nuôi sống bao thế hệ dân làng, từ mớ cá tôm bắt được, cho tới phù sa màu mỡ cho bãi bờ, giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi.
Qua nhiều lần phản đối, cuối cùng người Z’lao và nhiều thôn làng cũng chấp nhận nhường đất làm thủy điện với giá bồi thường, hỗ trợ rất thấp. Tháng 8.2003, đập ngăn nước thủy điện xây dựng, tháng 12.2008 bắt đầu tích nước, thì mọi thứ xáo trộn. “Không ai ngờ là cái đập tích nước cao đến vậy. Nghe vận động thì bà con tình nguyện hiến đất, hiến hoa màu, cây cối. Thế rồi con nước về, Z’lao bị cô lập hoàn toàn. Nhiều cây cối, hoa màu ven sông bị nhấn chìm, chẳng ai tính thiệt hại đó. Con đường mòn độc đạo đi lại sản xuất của làng cũng bị chìm trong nước, chỉ có mỗi cái cầu treo đầu làng làm sau này là gắn kết làng với bên kia. Nhưng cầu treo thì chỉ đi bộ, chứ mà khiêng người đau ốm, hay chở nông sản thì phải dùng ghe độc mộc đi trong lòng hồ. Gió lớn, sóng kinh lắm, lật úp ghe là thường, may là ở đây ai cũng biết bơi nên thoát chết” – già Bríu Le nhớ lại.
Chưa hết, trước khi có đập ngăn nước, vị trí của thôn nằm sát chân núi, giao thông đi lại dễ dàng, việc làm rẫy, trồng trọt, lội bộ đánh bắt cá suối và trồng lúa rẫy… của bà con thuận tiện. Nhưng quá trình tích nước đã làm mực nước sông A Vương tăng đột biến vào mùa mưa, làng Z’lao bắt buộc phải di dời lên vị trí giữa sườn núi, khó khăn chồng chất, làng bị biệt lập kể từ đó…
Những cái “không” níu chân cuộc sống bà con
Z’lao vẫn là ngôi làng “bốn không” giữa thế kỷ 21. Theo già Bríu Le, do không ước tính được mức độ ảnh hưởng của thủy điện nên dân làng xưa nay cũng không ai gây khó dễ, đòi đền bù gì, cứ mặc nhiên chấp nhận, cuối cùng thì sự việc đã rồi. Z’lao có 45 hộ dân với 187 nhân khẩu, có 34/45 hộ thuộc diện nghèo. Cuộc chiến chống cái nghèo, cái đói cứ dai dẳng.
Không đường, không điện, không trường, không trạm (y tế), cuộc mưu sinh của người dân khó trăm bề. Thu nhập chính của người làng vẫn là trồng rẫy, khai thác các sản vật rừng như mật ong, măng… và đặc sản là rượu nếp than, nhưng do cách trở, cô lập, thương lái cũng chẳng tới mua. Còn nếu đem chợ bán thì tiền chợ chẳng bù lại được tiền xăng, tiền công sức vận chuyển nông sản ra tới chợ nên Z’lao đã quen tự cung tự cấp. Muối, mì chính, mì tôm, xà phòng, thuốc men… đều phải dự trữ, nếu không muốn đánh cược mạng sống qua sông trong mùa lũ.
Chặng đường đến trường của trẻ em Z’lao cũng lắm gian nan. Những buổi đến trường đường xa lắc đầy hiểm trở, chuyện trượt ngã lấm lem quần áo, mặt mũi hay bật máu như cơm bữa. Bhling Ngói – Trưởng thôn Z’lao kể, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 4 phải học lớp ghép ở trường làng tạm bợ, thường xuyên bị dột nát, xiêu vẹo. Từ lớp 5 tới lớp 12, vì quá khó khăn đi lại nên các em đều học bán trú tại các trường trên địa bàn huyện Tây Giang, mấy tháng mới được về thăm nhà một lần. Lắm em vì không thể vượt rừng đi tìm con chữ nên bỏ học giữa chừng. Cả thôn hiện có 1 em học đại học và 5 em học cao đẳng – đó như kỳ tích của làng. Ở thôn không có trường mẫu giáo, và các cháu trong độ tuổi mẫu giáo vẫn chưa được đến trường.
Niềm mong mỏi lớn nhất của người dân thôn Z’lao là có được điện lưới quốc gia. Nghịch lý ngậm ngùi “bóng tối dưới chân nguồn phát điện”. Nguồn sáng duy nhất của cả thôn là dòng điện thủy luân (tua bin nước) đặt ở bên bờ suối, nhưng không ổn định, chập chờn. “Tết Mậu Tuất vừa qua, UBND huyện Tây Giang đã hỗ trợ cho thôn Z’lao 10 chiếc máy phát điện thủy luân để người dân đón tết. Nhưng vào mùa mưa hay xuất hiện lũ quét, người dân không thể dùng được các máy thủy luân này, chưa kể máy móc hay bị hư” – Bríu Cành – Bí thư Chi bộ thôn Z’lao kể.
Chung nỗi niềm đau đáu với Z’lao, ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Dang chia sẻ, Z’lao tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy điện A Vương như các thôn K’la, A Lua, song lại chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi thủy điện, mà câu chuyện “hậu thủy điện” vẫn là bài toán nan giải. Từ câu chuyện mặt bằng, câu chuyện sinh kế bị ảnh hưởng, cùng các vấn đề dân sinh khác là áp lực, gánh nặng cho địa phương. Mấy chục năm nay, đường đến với Z’lao hết sức gian nan, chỉ có thể đi vào mùa nắng, còn mùa mưa thì chịu; điện lưới thì không biết đến khi nào mới có. Gần đây, tỉnh, huyện, xã có quan tâm hỗ trợ làm đường tới thôn, san ủi mặt bằng bố trí tái định cư, cấp phát cây giống nhưng những hỗ trợ vẫn còn nhỏ giọt, với nguồn lực hạn chế của địa phương thì cũng chưa thấm vào đâu so với nỗi gian nan, nhọc nhằn người Z’lao phải đối diện.
Sinh kế – Con đường để Z’lao thoát nghèo…
Sau hơn 10 năm xây dựng thủy điện A Vương, bài toán “hậu thủy điện” tại xã Dang vẫn chưa có lời giải. Đó là khó khăn về đất sản xuất và mặt bằng tái định cư cho nhiều hộ mới phát sinh của 2 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy điện là A lua và K’la; 2 thôn ảnh hưởng gián tiếp là Z’lao – bị cô lập hoàn toàn bởi lòng hồ và A Đâu – phải nhường đất cho các thôn trên.
Theo Bnướch Ablơn – Bí thư Đoàn xã Dang, sống tại Alua cho biết, từ khi di dời khỏi vùng sạt lở ở khu tái định cư Alua, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn như: thiếu hụt đất sản xuất, nhà ở chật chội vì xen ghép nhiều thế hệ. “Làng Alua chỉ có một vài héc ta được làng bên cho để trồng cao su, một ít ruộng lúa nước, đến nay cao su cũng chưa thu hoạch nên chẳng có nguồn thu gì. Các nguồn hỗ trợ 135, 30a chưa phát huy hiệu quả. Ai có xe máy thì dễ trở về làng cũ trồng trọt, gieo lúa rẫy, chăn nuôi con heo, gà. Ai không có xe phải đi cả tiếng rưỡi mới tới làng cũ” – Bnướch Ablơn tâm sự.
Theo ông A Lăng Pứp – Trưởng thôn Alua, thôn cũng đang xin đất của làng bên, vận động nhiều hộ dân nhường đất rẫy để tạo mặt bằng để huyện đưa cơ giới vào san lấp mặt bằng, giãn bớt dân đến nơi mới… Cũng theo ông A Lăng Pứp, người dân Alua rất cần những lớp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ giống cây con để có sinh kế thoát nghèo. “Cũng vì thiếu đất sản xuất, khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cái nghèo cứ dai dẳng” – A Lăng Pứp nói.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, ở các thôn bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi thủy điện, đời sống người dân còn khó khăn do nhà cửa tạm bợ và thiếu đất sản xuất. Việc hỗ trợ, đền bù từ dự án thủy điện A Vương chưa quan tâm đến phát triển sinh kế bền vững như: đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm… nên người dân 4 thôn cứ luẩn quẩn trong cái vòng của nghèo đói…
Ông Tâm phân tích, toàn xã có 24 hộ thoát nghèo trong năm 2016 thì năm 2017 có 6 hộ tái nghèo, trong đó chủ yếu các hộ ở xã Dang (do đau ốm, do sản xuất kém năng suất, do thiếu đất sản xuất). Có 35 hộ cận nghèo của xã năm 2016 đã rơi xuống hộ nghèo năm 2017, trong đó số hộ ở 4 thôn trên chiếm đại đa số, nguyên nhân chính là thiếu đất sản xuất, nhất là diện tích ruộng lúa nước không có. Toàn bộ diện tích đất ruộng lúa nước trước đây đã bị ngập bởi thủy điện A vương. Đời sống và thu nhập của các hộ chủ yếu dựa vào nương rẫy và các sản phẩm từ rừng như: măng, đốt, mây, nấm… nhưng cũng không được thường xuyên nên thu nhập bình quân hộ không đạt, dẫn đến rơi xuống hộ nghèo.
Trao đổi với báo giới trước đó, ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, bài toán về sinh kế “hậu thủy điện” vẫn khiến huyện Tây Giang loay hoay tìm lời giải. Có an cư mới lạc nghiệp, do vậy, huyện Tây Giang sẽ tập trung cải thiện an sinh xã hội cho bà con 4 thôn, sau đó mới tập trung tháo gỡ về kinh tế, phải đi lên từng bước để tránh lặp lại sự vội vàng như trước đây.
Được biết, mới đây, huyện Tây Giang đã nỗ lực đầu tư hạ tầng, bê tông hóa tuyến đường giao thông huyết mạch xã Dang với chiều dài hơn 15km. Tuyến còn lại từ các thôn cuối của xã Dang đi qua các thôn vùng tái định cư, men theo lòng hồ A Vương, kéo dài tới thôn Z’lao đang được cày ủi, san lấp mặt bằng, bê tông hóa giai đoạn 2019-2020 nhằm xóa thế độc đạo xã Dang. Mặt bằng đang được san ủi để dời làng Z’lao đến nơi ở mới để việc đi lại, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Song, câu chuyện giảm nghèo và bài toán sinh kế vẫn còn gian nan…
Văn Hoàng – Hoàng Liên