BVR&MT – Tác hại của nhựa và túi ni-lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Do vậy, việc hạn chế chất thải từ nhựa và túi ni-lông chính là yêu cầu cấp bách không chỉ ở Việt Nam, mà còn của các quốc gia trên thế giới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho biết: Các sản phẩm từ nhựa và ni-lông ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, thế nhưng, việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Ðáng lo ngại, các sản phẩm từ nhựa và ni-lông phải mất hàng trăm năm, thậm chí đến cả nghìn năm mới bị phân hủy. Trong thời gian đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động vật, thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Ngoài ra, chất thải nhựa và ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa đi-ô-xin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất bốn lần. Mỗi phút sẽ có một triệu túi nhựa được tiêu thụ, nhưng mới chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế. Bên cạnh đó, rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương trở thành một phần thức ăn đầu độc cho các loài sinh vật biển. Dự báo của các nhà khoa học cho thấy: khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Ðáng chú ý, Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo số thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn một túi ni-lông/ngày. Như vậy, sẽ có hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Ðây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Việc hạn chế chất thải từ nhựa, ni-lông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, bắt đầu từ việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni-lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Do vậy, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa; có cơ chế chính sách về công cụ thuế nhằm hạn chế sử dụng loại túi ni-lông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni-lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm ưu việt khác để thay thế. Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
Mới đây, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn quốc. Thông qua phong trào, nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và từng người dân bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Ðẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần. Phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế về giải quyết rác thải nhựa để từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và ni-lông ở nước ta hiện nay.