BVR&MT – Năm 2019, ngành thủy lợi cần triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đưa Luật Thủy lợi tiếp tục đi vào cuộc sống, chuẩn bị các giải pháp ứng phó với khô hạn và không ngừng cải thiện việc cấp nước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng vừa có cuộc trả lời báo chí về những vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Thứ trưởng đánh giá như thế nào về năm 2018 vừa qua của ngành thủy lợi, đặc biệt là những khó khăn mà ngành thủy lợi đang gặp phải?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Với ngành thủy lợi, chúng ta đã cấp được một nguồn nước rất tốt, thể hiện ở việc nước ta là một nước nông nghiệp diện tích không phải là lớn, nhưng do đảm bảo được nguồn nước nên chúng ta tăng được thời vụ và đạt sản lượng cao. Ngoài ra, thủy lợi còn góp phần cho các ngành khác, không chỉ là ngành nông nghiệp mà còn tạo nguồn cấp nước cho các đô thị phát triển công nghiệp.
Thủy lợi còn có một vai trò rất là lớn trong phòng chống thiên tai, kể cả trong phòng chống úng ngập đô thị cũng như lũ lụt trên các sông.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, thủy lợi phục vụ cho một nền nông nghiệp mang tính chất an sinh, phục vụ cho cây lúa và đảm bảo an ninh lương thực, giảm đói nghèo nên chúng ta tiếp cận theo hướng hỗ trợ rất lớn của nhà nước.
Đến lúc cần thay đổi để nguồn nước có thể đáp ứng được rộng khắp hơn cho nhu cầu của nền kinh tế, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy lợi và Luật có hiệu lực từ 1/7/2018. Luật Thủy lợi tạo sự chuyển động rất sâu sắc, nâng cao hơn hiệu quả của khai thác công trình thủy lợi, từ xác định rõ chủ thể của công trình thủy lợi, các cơ quan quản lý nhà nước, các khối tư nhân đầu tư, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý, trách nhiệm rõ ràng của các công ty quản lý khai thác. Trước đây, chúng ta vận hành theo kế hoạch bây giờ theo từng bước thực hiện theo đặt hàng đấu thầu và vận hành theo cơ chế thị trường, điều này sẽ tạo ra hiệu quả, đảm bảo chất lượng công trình cũng như hiệu quả sử dụng nước.
Năm 2018, Tổng cục Thủy lợi rất nỗ lực để xây dựng các hệ thống văn bản pháp luật để hướng dẫn Luật, tuy nhiên, việc đưa pháp luật vào cuộc sống mới là điều quan trọng.
Đây là câu chuyện rất lớn, việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi, chuyển từ Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các công ty quản lý khai thác sang hỗ trợ cho các đối tượng theo chính sách, theo cây trồng là một vấn đề lớn mà trong giai đoạn tới cần phải làm. Vì vậy, thách thức và đòi hỏi của nhiệm vụ quản lý nhà nước là đưa Luật Thủy lợi vào cuộc sống, thông qua truyền thông để thay đổi nhận thức, thông qua các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, thông qua các mô hình, thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các cơ sở dữ liệu,…
Thứ hai là chúng ta đang chịu thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra rất là cực đoan, do vậy, thủy lợi phải tập trung từ dự báo, cảnh báo sớm đến truyền tải thông tin đến người sử dụng nước, người nông dân, đến chính quyền địa phương để từ đó vận hành, chuyển đổi lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý, từ đó để chúng ta giảm nhẹ những rủi ro thiên tai. Trong đó, đối với những vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thì chúng ta phải thay đổi cơ bản cách làm thủy lợi.
PV: Thứ trưởng vừa nhắc đến việc triển khai Luật Thủy lợi, vậy hiện nay, chúng ta đã chuẩn bị được những gì để đảm bảo Luật được triển khai hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Điều quan trọng sau Luật là xây dựng các Nghị định và thời điểm 1/7/2018 thì các Nghị định đã hoàn thành đúng thời gian và có hiệu lực. Sau khi có các Nghị định, chúng ta còn nhiều việc phải làm.Ví dụ như để thực hiện được cơ chế đặt hàng, đấu thầu cho quản lý khai thác, chúng ta phải xây dựng những hướng dẫn về xây dựng định mức về giá nước – rất đa dạng. Nếu không phản ánh đúng thực tiễn thì có thể dẫn đến hai thái cực, một là giá thấp thì các doanh nghiệp sẽ không làm hoặc làm không hiệu quả nhưng giá cao thì chúng ta lãng phí tiền của nhà nước.
Thứ hai là đổi mới trong hệ thống tổ chức quản lý khai thác, ví dụ như tổ chức thủy nông cơ sở chúng ta phải củng cố vì hiện nay chúng ta phải hỗ trợ người nông dân qua tổ chức thủy nông cơ sở. Đồng thời cần đổi mới cách quản trị của các công ty khai thác thủy lợi, đấy là công việc mà từ quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, người nông dân đều phải có sự thay đổi.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết về tình hình thủy văn sắp tới, đặc biệt trong vụ sản xuất Đông Xuân?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Cơn bão số 9 có mưa rất lớn thuộc ven biển miền Trung nhưng vùng thượng nguồn vẫn thiếu mưa, các hồ thủy điện là các nơi trữ nước cho mùa khô thì rất thiếu nước, đặc biệt từ Huế trở vào. Cho nên đây cũng là điều mà chúng ta rất chú ý để sang năm, theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn thì El Nino có thể tác động đến mùa khô 2019. Khi đấy nước các sông sẽ cạn không có mưa trong mùa khô và chúng ta phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó.
Vì vậy, ngay bây giờ cần kiểm tra có bao nhiêu nước trong các hồ chứa, cần lên kế hoạch, kịch bản, phân phối nước làm sao hợp lý và đặc biệt lo ngại là sông Mê Kông vì với sông Mê Kông, hiện nay lượng nước trữ thượng nguồn là thấp, dòng chảy Mê Kông cũng thấp so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn có thể vào sâu ở những nơi chúng ta đang sản xuất ngọt, chính vì vậy mà chúng ta cần có các giải pháp để chủ động ứng phó.
PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay trước tình hình mới, thủy lợi cần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vậy, ngành thủy lợi đã triển khai như thế nào để đáp ứng được điều này?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Những năm vừa qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy lợi có rất nhiều chuyển động để phù hợp với nền nông nghiệp căn cứ vào tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, theo tín hiệu thị trường thì thay đổi rất nhanh và thủy lợi phải đáp ứng được sự thay đổi ấy.
Nước phải đáp ứng được được theo thời gian của cây trồng, nước phải đảm bảo phải sạch, đảm bảo đủ nước. Như vậy, các giải pháp sử dụng nước tiên tiến tiết kiệm nước đã được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi, các địa phương triển khai tương đối quyết liệt. Đề án tưới tiên tiến tiết kiệm nước đặt mục tiêu 2020 là 500.000 ha có thể được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Hiện nay, theo đánh giá được trên dưới 300.000 ha, chúng ta đã mời rất nhiều hãng công nghệ nước ngoài, khuyến khích trong nước để triển khai.
Chúng ta cũng đã xây dựng được những vùng, đặc biệt là vùng khô hạn Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên rất nhiều mô hình áp dụng công nghệ này đang được triển khai.
Với đà này, có sự chủ động của người nông dân cùng với chính sách của nhà nước và các địa phương, thì tưới tiên tiến tiết kiệm nước ở Việt Nam sẽ được lan tỏa rất nhanh.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!.