=BVR&MT – Với thu nhập trên 170 triệu đồng/ha, cao gấp gần 10 lần so với trồng cây ngô, lúa. Cây dược liệu đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho dân tộc người Mông, mở ra hướng đi mới trong xóa nghèo bền vững ở xã vùng cao Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Trong những năm gần đây, thực hiện Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 -2020”, xã Tả Văn Chư với khí hậu đặc trưng ôn đới, mát mẻ, độ ẩm cao đã và đang phát triển một số loại cây dược liệu như Atiso, Đương quy và Cát cánh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là dự án phát triển, mở rộng diện tích cây dược liệu Cát cánh được thực hiện trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ sự thành công của dự án trồng thí điểm 1 ha cây dược liệu Cát cánh năm 2017. Năm 2018 xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Huyện tiếp tục triển khai phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu Cát cánh, với quy mô 4 ha tại thôn Lả Gì Thàng.
Ông Tráng Ba Điện, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: Khi tham gia dự án các hộ dân được Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân, giống, túi, bạt ni lông để che phủ hạt, cây giống trong giai đoạn đầu. Trong quá trình triển khai, cán bộ của Trung tâm và cán bộ khuyến nông xã thường xuyên xuống trực tiếp đồng ruộng hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, nhờ đó cây dược liệu Cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt. Tả Văn Chư trở thành điểm đến của huyện Bắc Hà đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.
Trong cái se se lạnh của những ngày đầu đông tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại vùng cao Tả Văn Chư khi mùa thu hoạch cây dược liệu Cát cánh đã kết thúc thắng lợi. Ông Tráng Ba Điện, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư phấn khởi cho biết: “Vùng cao Tả Văn Chư hôm nay không chỉ độc canh có cây lúa, cây ngô. Nay đã phát triển thêm những cây đặc sản mang hiệu quả kinh tế cao như cây mận, cây lê, đặc biệt 2 vụ gần đây phát triển trồng cây dược liệu quý hiếm, Đương Quy và cây Cát cánh. Trong đó, cây dược liệu Cát cánh nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo nên phát triển khá tốt và mang lại thu nhập cao. Đây là hướng đi mới của xã nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con người Mông và xóa nghèo bền vững”.
Đưa chúng tôi đến thôn Lả Gì Thàng – thôn điểm xây dựng nông thôn mới với nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, thi đua xây dựng nông thôn mới. Tới thăm gia đình chị Sùng Thị Pằng, là hộ có diện tích trồng Cát cánh nhiều nhất Xã trong năm 2018, với 0,5 ha cây dược liệu. Chị Pằng phấn khởi chia sẻ: Sở dĩ nhà mình mạnh dạn trồng cây dược liệu Cát cánh vì đã được thăm quan thực tế mô hình trồng thí điểm 1 ha năm 2017 cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, lúa. Được cán bộ xã vận động, hướng dẫn tận tình chị đã thành thục chăm, so với lúa, ngô thì đây là loại cây dễ trồng và chăm sóc hơn. Đặc biệt, cây cho thu hoạch được cả lá, thân, củ và hoa nên đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 80 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn, sang năm 2019 gia đình quyết định mở rộng diện tích thêm 1-2 ha thay cho trồng ngô.
Gia đình chị là một trong số những hộ dân tại địa phương tham gia trồng cây dược liệu và thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để. Hiện tại mô hình này đang được nhân rộng ở hầu khắp các xã của huyện Bắc Hà. Dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương phù hợp để phát triển nhiều cây dược liệu quý, huyện Bắc Hà đã có chủ trương vận động, hỗ trợ bà con trên địa bàn trồng cây dược liệu, tạo đà để thoát nghèo bền vững.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Huyện Bắc Hà thu mua với giá: 1 triệu đồng/kg hạt giống cây dược liệu, rễ củ tươi cây Cát cánh vừa đào từ nương lên được thu mua với giá 23 nghìn đồng/kg, với diện tích 4 ha cho nông dân thu gần 700 triệu đồng.
Có thể thấy trồng và phát triển cây dược liệu đã mở ra hướng đi mới, là cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nông dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng cao Tả Văn Chư ngày một đổi mới.
Tráng Xuân Cường