BVR&MT – Cuộc sống bí mật của tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất thế giới, đã được ghi lại bằng máy quay ở châu Phi.
Cảnh quay đưa ra một cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về hành vi của tê tê khổng lồ, loài động vật có vảy lớn nhất.
Được quan sát bởi các camera điều khiển từ xa, một con non cưỡi trên lưng mẹ, trong khi một con trưởng thành trèo lên cây.
Các nhà khoa học đang phát hành đoạn phim để làm nổi bật cảnh ngộ của loài động vật đang bị đẩy đến tuyệt chủng do nạn săn bắn trái phép lấy vảy và thịt.
Một số lượng lớn vảy đã bị tịch thu trong tháng này, bao gồm cả việc ngăn chặn các sản phẩm tê tê nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay của Malaysia.
Những hình ảnh và video clip về những con tê tê khổng lồ, một trong bốn loài ở châu Phi, được ghi lại tại khu bảo tồn Ziwa của Uganda, nơi những con vật sống bên cạnh những con tê giác được bảo vệ và an toàn trước nguy cơ săn trộm.
Stuart Nixon thuộc Chương trình thực địa châu Phi của Vườn thú Chester cho biết phần lớn hành vi của chúng chưa từng được ghi lại trước đây.
“Chúng ta biết rất ít về loài này, hầu hết mọi hành vi của chúng mà chúng ta nhận được từ bẫy camera trong năm nay là một điều mới”, ông nói.
Tê tê được cho là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.
Ở châu Á, nhu cầu về vảy của chúng để sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc là rất cao, trong khi thịt được coi là đặc sản ở một số nước.
Bí quyết để cứu sinh vật quý hiếm này là gì?
Vừa qua, các nhà chức trách Malaysia đã thu giữ hơn 27 tấn tê tê và vảy của chúng – được cho là trị giá ít nhất 1,6 triệu bảng – ở Borneo, trong một chuyên án lớn nhất ở nước này.
Nhóm giám sát động vật hoang dã TRAFFIC cho biết cảnh sát phát hiện ra hai cơ sở chế biến tê tê lớn dự trữ với hàng ngàn hộp thịt ở bang miền đông Sabah.
“Hy vọng rằng các cuộc điều tra toàn diện có thể dẫn đến việc vạch mặt tổ chức và các mạng lưới được điều khiển từ bang này và hơn thế nữa”, Kanitha Krishnasamy, giám đốc của Traffic tại Đông Nam Á nói.
Vụ việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi 10 tấn vảy bị bắt ở Việt Nam, Hồng Kông và Uganda.
Các nhà khoa học cho biết cảnh ngộ của tê tê khá ảm đạm và họ không biết có bao nhiêu con còn lại trong tự nhiên.
Stuart Nixon, đang có dự án hợp tác với Cơ quan Động vật hoang dã Uganda và Quỹ Rhino Uganda, cho biết tê tê hiếm khi gặp được trong tự nhiên đến nỗi không có đủ dữ liệu để cho phép ước tính chính xác.
Một nghiên cứu đang được tiến hành để khảo sát và giám sát thực địa những con tê tê khổng lồ là bước đầu tiên để xác định tổ của chúng.
“Loài này bị quét sạch trên thực tế, chúng bị xóa sổ trên khắp Trung Phi, không có nghi ngờ gì về điều đó. Nỗ lực khiến mọi người tham gia và quan tâm đến tê tê thực sự là bước quan trọng “, ông nói thêm.
Sam Mwandha thuộc Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã ở Uganda cho biết thêm: “Những cái nhìn thoáng qua vào cuộc sống của những con tê tê khổng lồ rất thú vị đối với những người chuyên bảo vệ động vật hoang dã phong phú của Uganda như chúng tôi và cũng đặt ra thách thức cho chúng tôi phải bảo vệ và bảo tồn được loài sinh vật cực kỳ nguy cấp này cho các thế hệ tương lai”.
Nhật Anh (Theo BBC)