BVR&MT – Từ năm 2015 đến nay, nhiều diện tích trồng mía ở các xã 135 huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã bị phá bỏ, thay thế bằng những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế ít hơn như: mè, sắn, gừng, các loại cây lâu năm… Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ tái nghèo ở các xã này là hoàn toàn có thể?
Huyện M’Đrắk nằm về phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm hành chính tỉnh (TP Buôn Ma Thuột 100 km); huyện có 12 xã và 1 thị trấn (nhưng có đến 11 xã thuộc diện 135) với tổng diện tích đất tự nhiên 133.748,00ha. Từ lâu cây mía đã trở thành thế mạnh giúp nhiều xã và nhiều hộ nông dân các xã vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế
Niên vụ mía 2017-2018, năng suất giảm mạnh, đạt khoảng 60-80% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hạn hán đến tốc độ sinh trưởng, giá thành giảm mạnh, và tình trạng nhiều năm liền tiến độ thu hoạch quá chậm…. ở huyện M’Đrắk nhiều địa phương, nông dân đã không còn mặn mà với việc trồng mía.
Từ năm 2009 huyện M’Đrắk là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh Đăk Lăk với diện tích mía không ngừng được mở rộng khoảng 7.350ha mía, tập trung chủ yếu ở các xã 135 như: Ea Pil 2.900 ha, Cư Prao 2.850 ha, Krông Jing 600 ha, Krông Á 430 ha, Ea Lai 337 ha, Ea Trang 110 ha, Cư Mta 105 ha…
Theo kế hoạch sản xuất năm 2017, năng suất cây mía niên vụ 2017-2018 ước đạt 73,8 tấn/ha, trong đó: xã Cư Prao và Ea Pil năng suất ước đạt 75 tấn/ha, Krông Á 73 tấn/ha, các địa phương khác năng suất ước đạt từ 65-70 tấn/ha; tổng sản lượng ước đạt 535.861 tấn. Nhưng niên vụ mía 2017-2018 năng suất đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 60-80 % so với kế hoạch. Trong khi chi phí nhân công thu hoạch tăng cao vì ảnh hưởng mưa bão.
Do ảnh hưởng của bão đã quật đổ trên 5.820 ha mía, ước bị thiệt hại khoảng 30 %. Bên cạnh đó nhiều hộ dân ở các xã này đã không còn thiết tha với cây mía.
Khác hẳn trước kia (tháng 12-2009), khi UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường 333 (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) thì cùng với sự phát triển của nhà máy, cây mía ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở M’Đrắk; đem lại nhiều lợi thế phát triển kinh tế, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ cây mía. Cho nên nhiều diện tích đất bị bỏ hoang cũng được nông dân tăng gia đưa vào trồng mía.
Những năm trước, Công ty Cổ phần Mía đường 333, Nhà máy Mía đường Cư Jút, Công ty Cổ phần Mía đường Ninh Hòa, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)… cũng đến ký hợp đồng trồng mía với nông dân huyện M’Đrắk và có rất nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân như: hỗ trợ làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu, cung cấp mía giống,… Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho bà con trong mùa thu hoạch, các nhà máy thường ứng tiền trước cho nông dân để giải quyết nguồn vốn sản xuất và công chặt mía cây, khi thu hoạch thì công ty cho xe đến tận ruộng thu mua nên nông dân rất yên tâm canh tác.
Tuy nhiên, những năm gần đây mía không còn là cây chủ lực của rất nhiều hộ nông dân ở M’Đrắk, nhiều hộ đã phá mía để chuyển sang các cây trồng khác, từ năm 2015 đến nay diện tích mía liên tục giảm. Điển hình năm 2018 nông dân xã Cư Prao, nơi được xem là “thủ phủ” mía đường của huyện M’Đrắk đã phá bỏ 850 ha mía già cỗi (năm thứ ba, thứ tư) để trồng các cây trồng khác. Ngoài việc phá bỏ mía, ở địa phương này cũng đang diễn ra tình trạng bỏ hoang mía non….
Nguyên nhân của tình trạng sản lượng mía ở M’Đrắk giảm mạnh là do thời tiết hạn hán, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của mía, mặt khác giá mía thu mua thấp, tiến độ thu hoạch mía quá chậm kéo dài dẫn đến tình trạng nhiều gióng mía mọc rễ, đã ảnh hưởng tới chất lượng đường trong mía.
Từ những nguyên nhân trên nên người dân nhiều xã ở M’Đrắk đã không mặn mà và “quay lưng” lại với cây mía, điều đáng nói những địa phương này đều thuộc diện 135, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ tái nghèo trên diện rộng là có thể.
Phượng Long