BVR&MT – Bắt đầu từ 11h sáng thứ 7 ngày 8/12, khoảng 3.000 người biểu tình từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại đường phố Katowice, nơi diễn ra Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc về BĐKH (COP24). Đa số người biểu tình là những người dân quan tâm đến vấn đề BĐKH hoặc là thành viên của các tổ chức phi chính phủ thuộc mạng lưới Climate Action Network (CAN).
Vì sao người dân lại biểu tình ngay trước cổng của COP24? Dưới đây là một số câu trả lời được người biểu tình nhắc đến nhiều nhất trong các tấm bảng được giơ lên hay trong các cuộc phỏng vấn, trò chuyện với báo chí.
COP24 nhận tiền tài trợ từ “các ông khổng lồ than đá”
Ba ngày trước khi diễn ra Hội nghị, Ba Lan tuyên bố nhận tài trợ từ ba công ty liên quan đến than đá, trong đó có hai công ty điện lực lớn nhất Ba Lan là Tauron và PGE. Dẫn nghiên cứu của các tổ chức phi lợi nhuận, hãng tin AFP cho hay hai công ty này đã phát thải 63% lượng khí thải nhà kính tại Ba Lan từ năm 1988 đến 2015.
Logo của ba công ty này được trưng bày tại gian hàng của Ba Lan và những nơi khác trong địa điểm tổ chức COP24. Không chỉ một mình Ba Lan mà các quốc gia khác bao gồm Nam Phi và Indonesia cũng đều có gian hàng được tài trợ bởi các “ông khổng lồ” năng lượng hóa thạch, từ dầu mỏ, khí tự nhiên đến than đá.
Các quốc gia hời hợt trước việc để trái đất nóng lên
Mặc dù Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) hồi đầu tháng 10 đã công bố báo cáo về viễn cảnh điều gì sẽ xảy ra nếu trái đất nóng lên, tuy nhiên, rất ít quốc gia trên thế giới có động thái tích cực nhằm chống lại ảnh hưởng của BĐKH.
Ba Lan coi thường quyền con người
Ngày 7/12, Climate Action Network (CAN) phát hành thông cáo báo chí cho biết ít nhất 12 thành viên của tổ chức đã bị Hải quan Ba Lan chặn ở cửa và bắt quay lại quốc gia khởi điểm với lý do họ là “mối đe doạ cho an ninh quốc gia.” Hồi đầu năm, chính quyền Ba Lan thông qua luật cấm biểu tình trong thành phố, khu vực ngoài khuôn viên của Hội nghị, tuy nhiên, điều này chưa từng xảy ra tại một hội nghị COP.
Quyết định này của Ba Lan đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường trên toàn thế giới trong quá trình chuẩn bị cũng như ngay trong lúc diễn ra Hội nghị. Sau việc các thành viên CAN bị chặn ở Hải quan, ông Stephan Singer – Đầu mối Điều hành của CAN nhận định “sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của xã hội dân sự trong khuôn khổ của Liên hợp quốc là điều bắt buộc và là điều kiện cần thiết để có sự chuyển đổi nhanh chóng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh”.
CAN là một mạng lưới có uy tính toàn cầu với hơn 1100 tổ chức dân sự hoạt động môi trường tại 120 quốc gia khác nhau. Những thành viên của tổ chức chủ yếu tham gia vào những hoạt động như: dựng gian hàng trưng bày tại Hội nghị về công nghệ xanh, loan truyền thông tin, diễu hành và viết báo về những cuộc đàm phán đang diễn ra. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin về việc các thành viên bị bắt giữ có được quay trở về nước một cách an toàn hay chưa. |
Mai Mai (Từ Ba Lan)