BVR&MT – Tại Hội nghị Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 24 (COP24), Germanwatch công bố bảng xếp hạng mới nhất của các quốc gia dựa trên chỉ số ảnh hưởng bởi BĐKH hay mức độ mất mát mà từng quốc gia phải chịu do thiên tai liên quan đến BĐKH.
Germanwatch là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bonn, Đức (trụ sở của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng đóng tại thành phố này). Trong 27 năm qua, tổ chức này đã làm việc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển quốc gia, đưa ra lời khuyên cho chính phủ các nước về chính sách quốc nội và vấn đề quan hệ Bắc-Nam.
Theo báo cáo của Germanwatch, Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu trong bảng xếp hạng các quốc gia bị tổn thương do BĐKH, đứng vị trí cao nhất trong số các quốc gia ASEAN. Tiếp đến là Thái Lan ở vị trí thứ 10. Xếp hạng của Việt Nam phần lớn dựa trên con số người chết do bão nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán năm 2017 – tổng cộng lên đến 298 người. Trong đó, cơn bão gây thương vong nhiều nhất mang tên Damrey tấn công vào bờ biển Việt Nam hồi tháng 11, làm chết 106 người.
Năm 2017, bão và áp thấp nhiệt đới đặc biệt hoành hành dữ dội, theo bà Lena Hutfils – Cố vấn về Chính sách quản lý rủi ro về môi trường của Germanwatch. “Nhiều quốc gia bị tấn công rất thường xuyên nên không có cơ hội kịp phục hồi khiến mọi chuyện càng tồi tệ hơn”, bà Hutfils nói. Bà nhấn mạnh việc tám trong số mười quốc gia trong top 10 đến từ các nhóm thu nhập thấp hoặc trung bình.
David Eckstein, Cố vấn Chính sách về tài chính và đầu tư, giải thích rằng chỉ số rủi ro bao gồm hai thành phần: một là dữ liệu từ năm cuối cùng có dữ liệu hoàn chỉnh, hai là dữ liệu từ quá trình 20 năm theo dõi. Vì thế, chỉ số này tượng trưng cho ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của biến đổi khí hậu và sự kiện khí tượng tại các nước.
“[Chỉ số này] nên được hiểu như một tín hiệu cảnh báo”, ông Eckstein nói. “Ngoài ra, nó cung cấp bằng chứng quan trọng để cho thấy biến đổi khí hậu và việc gia tăng hàng năm của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt… là có liên quan.
Trước những diễn biến này, tại COP24, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục Trưởng Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tuyên bố rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên số một của quốc gia.
Ông Tấn cho biết Chính phủ Việt Nam là một trong những chính phủ đầu tiên thông qua khuôn khổ thực thi Thỏa thuận Paris về BĐKH, một tháng trước khi thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016. Một phần quan trọng của Thoả thuận này là việc liên tục xem xét, cập nhật và thực thi Đóng góp do Quốc gia tự xác định (NDC), thúc đẩy công tác phòng chống và thích ứng với BĐKH toàn cầu.
Trong phiên họp tại COP24 về việc các nước khối ASEAN hợp tác thực hiện NDC, ông Tấn cho biết 47 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam đã đưa ra các kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris. Theo ông, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên tiến nhất trong ASEAN về phương diện triển khai NDC. Quan điểm này được nhiều người trong cộng đồng quốc tế xác nhận, đặc biệt, đại diện các phái đoàn từ Congo, Kenya… tích cực đặt câu hỏi trong phiên để học hỏi từ các chính sách của Việt Nam.
Ông Jahan Chowdhury – Giám đốc Hợp tác quốc gia của tổ chức NDC Partnership tuyên dương Việt Nam tại phiên họp về sự phối hợp hiệu quả giữa lãnh đạo chính phủ, các Bộ và tổ chức phi chính phủ (NGO) để thích ứng với biến đổi khí hậu một các hiệu quả. Theo ông Tấn, Bộ TN&MT họp ba tháng một lần với các NGO để thảo luận về việc thực thi các chính sách ở cấp địa phương.
Ông Tấn kỳ vọng cao về diễn tiến của COP24 – Hội nghị tập hợp các nhà đàm phán từ khắp các quốc gia trên toàn thế giới về vấn đề BĐKH. Theo ông, Văn phòng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chờ kết quả từ COP24 trước khi quyết định xét duyệt đề xuất từ Bộ TN&MT về việc giảm khí nhà kính. Điều quan trọng ở đây là để đạt được mục tiêu giảm khí thải như mong muốn, Việt Nam cần phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
“Hỗ trợ” ở đây bao gồm ba yếu tố: tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực. Cho đến nay tại COP24, Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ cam kết mới nào từ các nước phát triển liên quan đến vấn đề hỗ trợ tài chính, một nỗi quan ngại lớn.
Mai Mai (Từ Ba Lan)