BVR&MT – Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 – 2020), huyện Na Hang có 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 54,46% , đến năm cuối năm 2018 giảm xuống dưới 34,3%.
Na Hang là một huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 110km, diện tích đất tự nhiên: 1.471,7 km²; dân số khoảng trên 54.742 người, gồm 1 thị trấn và 16 xã (những có đến 10 xã thuộc điện đặc biệt khó khăn thuộc diện 135). Cơ cấu dân số chủ yếu là người dân tộc sinh sống, gồm: Tày (57,52%), Dao (23,38%), Kinh (9,72%), H’Mông (5,31%).
Giai đoạn 2016 – 2017 tổng sản lượng lương thực phát triển ổn định ở mức 18.582 tấn, thu ngân sách trên địa bàn tăng trưởng bình quân ở mức 5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 54,46% đầu năm 2015 giảm xuống dưới 34,3% vào cuối năm 2018. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng theo từng năm, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng, chương trình lao động – việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm và thu được kết quả tích cực, tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững…
Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới được xem là động lực để các địa phương phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung công tác có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể sát với thực tiễn của địa phương như: Tập trung hướng về cơ sở vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Các xã Năng Khả, Côn Lôn đã hoàn thành, phát huy và duy trì tốt các tiêu trí trong bộ chuẩn quốc gia các tiêu trí về xây dựng nông thôn mới, các xã Thanh Tương, Đà Vị, Hồng Thái đạt từ 11 đến 14 tiêu trí, các xã còn lại đạt từ 7 đến 10 tiêu chí…
Nhờ đó mà kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế đã có hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Tính đến hết năm 2017, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế đạt trên 257 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt gần 98 tỷ đồng, thủy sản đạt trên 25,38 tỷ đồng, công nghiệp đạt gần 1.210 tỷ đồng, vượt 5% so với mục tiêu Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Na Hang có 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Sản lượng lương thực bình quân đạt gần 18.600 tấn, bằng 100,4% kế hoạch; Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản vượt 1,1%; Trồng rừng vượt 13%, nâng độ che phủ rừng lên 79%. Lượng khách du lịch đến thăm quan du lịch đạt trên 93 nghìn lượt người, đạt 71% mục tiêu nghị quyết đề ra. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt 5% so với mục tiêu nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,3%/năm, vượt 1,3% so với nghị quyết.
Không chủ quan với những kết quả đã đạt được, ông Vân Đình Thảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung rà soát, đánh giá các mục tiêu của nhiệm kỳ, xem xét các mục tiêu đạt thấp, đề ra các giải pháp khắc phục phấn đấu hoàn thành. Thời gian tới cần có sự lãnh đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Phượng Long