Khi nói đến các cơ sở dữ liệu trực tuyến cho phép người dùng đóng góp thông tin và tương tác trực tiếp với nhau, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khái niệm chuỗi khối (blockchain) và tiền mã hoá (bitcoin). Sau khi bitcoin giảm mạnh làm mất lòng tin của người dùng vào thị trường tiền số, uy tín của các mạng lưới dữ liệu nói chung cũng trở nên lung lay.
Tuy nhiên, các ứng dụng của mạng lưới dữ liệu thật sự không chỉ gói gọn trong thị trường tiền số mà trải rộng rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong những lĩnh vực mà ít người nghĩ đến là ngăn chặn, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về BĐKH thứ 24 (COP24), đại diện Trung tâm Công nghệ xanh (GTC) của Hàn Quốc trình bày về sức mạnh của mạng lưới thông tin CTiS trong việc kết nối các giải pháp khác nhau cho vấn đề BĐKH.
GTC là trung nghiên cứu chính sách kinh tế và hợp tác quốc tế lớn nhất Hàn Quốc, được thành lập năm 2013 với mục đích thúc đẩy sự phát triển công nghệ xanh; sau thoả thuận Paris năm 2015 về BĐKH, GTC tập trung các hoạt động của mình để giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu quốc gia về giảm khí thải nhà kính. Từ đó, CTiS được tạo ra.
Theo ông Cheon-hwan Lee, đại diện của GTC tại hội nghị, CTiS cung cấp thông tin về nhu cầu và giải pháp công nghệ xanh trong nước, các chương trình hợp tác về công nghệ cũng như các xu hướng mới nhất toàn cầu. Chỉ với một cái nhấp chuột, người dùng có thể có thể kết nối với các cá nhân nhân đang gập phải vấn đề tương tự và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất. Vấn đề càng lớn, càng nhiều người gặp phải thì càng dễ để tìm câu trả lời phù hợp.
Ví dụ như việc nâng cấp hệ thống tưới nước cho cây trồng để giảm lượng nước thải ra – khi đưa lên trang web của CTiS, có thể thấy được 139 cá nhân hoặc tập thể trên toàn thế giới cũng có chung nhu cầu này. Sau khi đăng nhập vào trang, người dùng cũng dễ dàng tìm ra thông tin về các hệ thống công nghệ xanh như hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời.
CTiS là một mạng lưới trực tuyến nên việc chia sẻ thông tin không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Cũng như bitcoin, cơ sở dữ liệu này cũng giúp đảm bảo việc thông tin đưa đến người dùng được chính xác và trung thực hơn, bởi lẽ mạng lưới các người dùng sẽ liên tục kiểm chứng và cập nhật thông tin thay vì một cơ quan trung ương.
Câu hỏi lớn nhất ở đây là liệu hệ thống này có thể phục vụ người dân ở các nước đang phát triển không, hay chỉ những quốc gia công nghệ hoá như Hàn Quốc mới có thể sử dụng được nó? Làm sao để những người nông dânViệt Nam ở những vùng quê chưa được tiếp cận mạng internet có thể dễ dàng đăng nhập trang dữ liệu để tìm kiếm giải pháp cho khó khăn trong việc thích ứng với BĐKH lên hoạt động canh tác của họ?
Theo ông Lee, hiện GTC đang tiếp tục cộng tác với chính phủ Hàn Quốc nhằm tìm hiểu rõ hơn nhu cầu công nghệ của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Từ đó có thể đưa ra các chương trình cụ thể hỗ trợ người dân trên toàn cầu có thể tiếp cận với GTiS.
Mai Mai (Từ Ba Lan)