BVR&MT – Sau mỗi mùa mưa lũ, khi phải oằn mình với dòng nước, cây cầu trở nên rệu rã, nỗi lo người dân cứ thế nhân lên mỗi khi đi qua.
Tòa soạn Bảo vệ rừng và Môi trường nhận được phản ánh về thực trạng cầu treo Đò Rô trên sông Con nối hai xã Nghĩa Bình – Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã nhiều năm xuất hiện sự xuống cấp rất nghiêm trọng. Trải qua thời gian, cầu ngày càng yếu, người dân nơi đây luôn ám ảnh mỗi khi đi qua cầu bởi những “hố bẫy” nằm ngả nghiêng trên mặt cầu cho dù người tham gia giao thông có chắc tay lái cũng phải lo sợ mỗi khi qua lại.
Chị Nguyễn Thị Hường, xóm 6, xã Nghĩa Bình: “Mỗi ngày tôi đi qua cây cầu này khoảng hai đến ba lần. Trước đây, do các tấm gỗ trên cầu chắp vá bị bong lên nên tôi không dám đi vì rất nguy hiểm, vì vậy tôi đành phải đi đường vòng để đảm bảo an toàn. Mới đây có thấy tu sửa nhưng chắc không có kinh phí nên chỉ sửa những tấm gỗ mục nát thôi”.
Tân Kỳ là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90 km. Huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 57 xóm bản thuộc 12 xã, với khoảng 10 ngàn người, chủ yếu là dân tộc Thái.
Khu vực đồng bào DTTS cư trú xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng đó, Tân Kỳ đã huy động các cấp, các ngành quan tâm, vận dụng các chương trình, dự án đầu tư, triển khai công tác giảm nghèo nhanh bền vững ở vùng DTTS. |
Cầu treo Đò Rô dài 194m, rộng 2m, được xây dựng từ năm 2009 và được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất huyện Tân Kỳ, nối hai xã Nghĩa Bình – Nghĩa Đồng.
Mỗi ngày, cây cầu có hàng nghìn lượt người tham gia lưu thông qua cầu. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân thường đi lại trên cây cầu này cho biết: “Cây cầu phục vụ người dân trong việc giao lưu và phát triển dịch vụ, nhưng trải qua mưa gió, lại chưa được tu sửa nên đã “xuống dốc” theo thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại cũng như không đảm bảo an toàn được tính mạng của người dân chúng tôi khi đi qua cầu”.
Trên mặt cầu, những tấm gỗ dùng để lát lòng cầu nay đã bị mục rữa, nhiều mảnh ván đã rơi xuống sông để lại những hố lớn trên lòng cầu rất nguy hiểm. Những thanh sắt để siết tấm gỗ ở lòng cầu bị bong ra, gây trở ngại cho người và phương tiện lưu thông.
Hàng trăm đinh ốc, vít sắt cố định các tấm gỗ lát mặt cầu chỉ còn trơ lại khuy. Nhiều nẹp sắt cũng bị mất đinh ốc nên bật cong lên phía trên như lưỡi dao. Đặc biệt, hiện nay có nhiều thanh lan can bằng sắt hai bên cầu đã bị kẻ gian đánh cắp đe dọa an toàn cho người lưu thông khi qua những khoảng lan can bị mất.
“Cây cầu Đò Rô hiện nay đúng là đang xuống cấp trầm trọng, xã cũng báo lên huyện để tìm cách xử lý. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kinh phí để tu sửa. Mới đây huyện cũng đã chi một số tiền để xã sửa chữa những chỗ bị hỏng, để người dân tạm thời đi lại cho an toàn. Còn về lâu dài thì phải chờ các nguồn khác”, ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho hay.
Đình Nguyên