BVR&MT – Nhằm triển khai công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và đi vào thực chất, huyện Quan Hóa đã thực hiện lồng ghép các Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình 30a, chương trình 135. Nhiều nguồn lực, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển mô hình kinh tế đã đem lại hiệu quả cao. Mặc dù năm 2018 Quan Hóa bị thiệt hại nặng do thiên tai, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đoàn kết nhân dân nên tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm.
Quan Hóa là huyện vùng cao, biên giới, cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa khoảng 140 km về phía Tây, phía Nam giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào. Là 01 trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 17 xã và 01 thị trấn (trong đó có 16 xã là xã 135).
Cơ cấu dân số của huyện Quan Hóa: Dân tộc Thái chiếm 65,61%; Dân tộc Mường chiếm 24,,48%; Dân tộc Kinh chiếm 8,97%; Dân tộc H’ Mông chiếm 0,82% và Dân tộc Hoa 0,12%. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90% nên phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, ít áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, liên kết sản xuất hộ còn yếu; Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Huyện Quan Hóa nhận thức rõ, để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 04/11/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 03/01/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 23/01/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá “về thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2018”; Quan Hóa đã xây dựng đề án Thực hiện chương trình trọng tâm Nghị quyết Đảng bộ Khóa XXII – nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác giảm nghèo nhanh bền vững, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới; UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, thực hiện lồng ghép đề án phát triển kinh tế – xã hội như: đề án “tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển rừng sản xuất, gắn với công nghiệp chế biến lâm sản, giai đoạn 2015-2020”; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020; các chương trình, dự án, đề án thuộc các chương trình: Chương trình 30 a, Chương trình 135…
Mô hình thả cá của hộ nghèo Phạm Bá Khâm, bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trong điều kiện khó khăn đó, Huyện ủy, HĐND, UBND đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đồng thời tranh thủ tốt thời cơ, sự ủng hộ của Trung ương, tỉnh để thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nên tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 giữ được ổn định.
Năm 2018: tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.432,395 tỷ đồng, đạt 100,3% so với kế hoạch; Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,1 triệu đồng tương đương đạt 100,4 % kế hoạch, tăng 3,014 triệu đồng so cùng kỳ; Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng đạt được theo cơ cấu kinh tế: ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 44 %; công nghiệp xây dựng chiếm 26,6 %, tăng 0,8% so cùng kỳ; dịch vụ – thương mại chiếm 29,4 %, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; trong năm có 07 bản (bản Nghèo xã Hồi Xuân, bản Bút, xã Nam Xuân, Khu phố mới xã Nam Tiến, bản Sắng Thiên Phủ, bản Hán Hiền Chung, bản Mí Phú Xuân, bản Trung Tân xã Phú Thanh) và 01 xã về đích NTM (xã Phú Nghiêm), nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn NTM toàn huyện là 02 xã và 14 bản; đến nay số tiêu chí đạt là 237 tiêu chí; bình quân số tiêu chí toàn huyện đạt 13,94 tiêu chí/xã, đạt 73,3%.
Thực hiện lồng ghép Chương trình NTM, Chương trình NQ 30a, 135 (hỗ trợ đầu tư giống 231 con bò cái lai sinh sản; đầu tư giống 259 con lợn cái đen sinh sản; 32 con lợn đực lòi giống; đầu tư giống cá lăng nuôi trong lồng bè; tập huấn kỹ thuật mở 23 lớp, với tổng kinh phí thực hiện trên 5,648 tỷ đồng), kết hợp với phát triển mô hình kinh tế để giảm nghèo được thực hiện tại 06 xã (Hồi Xuân, Phú Nghiêm, Nam Tiến, Nam Động, Hiền Chung, Hiền Kiệt), với 03 nội dung: Mô hình đất ngô đông/đất 2 lúa; Mô hình cải tạo vườn tạp và nuôi ong lấy mật tại xã Phú Nghiêm; Mô hình làm chuồng nuôi gia súc tập trung, tại xã Phú Nghiêm. Với tổng vốn thực hiện 1,725 tỷ đồng (bao gồm vốn NSNN và nhân dân đóng góp), bước đầu đã cho hiệu quả tích cực: Sau khi rà soát, số hộ nghèo thoát nghèo là 841 hộ (giảm 790 hộ từ 2.515 hộ xuống còn 1.725 hộ), tương đương tỷ lệ 7,19 % (từ 22,82% xuống còn 15,63%).
Năm 2018, huyện Quan Hóa được tỉnh hỗ trợ 03 mô hình nhân rộng giảm nghèo, được triển khai thực hiện tại ba xã Xuân Phú, Phú Nghiêm và Thanh Xuân, tổng kinh phí hỗ trợ là 300 triệu/mô hình; ngoài ra còn kinh phí đối ứng của các hộ và của UBND các xã. Cả ba mô hình đều thực hiện chăn nuôi bò cái lai sinh sản; tổng số bò cái được hỗ trợ là 69 con/69 hộ nghèo.
Tổng kinh phí thực hiện của 03 mô hình là: 1.081,922 triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 900 triệu; ngân sách xã hỗ trợ: 35,922 triệu; nhân dân đóng góp: 146 triệu.
Công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện như: tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đối với người có uy tín; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 2472/2011/QĐ-TTg; Quyết định số 50/QĐ-TTg, ngày 03/11/2016 về việc xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020…
Công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền huyện Quan Hóa cùng với sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Trong tương lai gần Quan Hóa sẽ là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa thoát khỏi Chương trình 30a và 135 của Chính phủ.
Phượng Long