BVR&MR – Thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì, Hà Giang) nằm dưới chân dải Tây Côn Lĩnh, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây chè Shan tuyết. Tháng 3.2018, Nhóm cùng sở thích (CIG) sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất được thành lập, qua đó giúp các thành viên có điều kiện vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, chế biến, tạo đầu ra ổn định, giúp các hộ nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, chè Shan tuyết Túng Sán đã dần tạo dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, do trình độ sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư để mở rộng quy mô, do vậy năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giá trị kinh tế chưa cao. Với giá bán chè tươi từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, chè khô giá dao động từ 200 – 500 nghìn đồng/kg, cây chè nhưng cũng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân trên địa bàn.
Thôn 1 Hợp Nhất có 80 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc Dao và Cờ Lao. Thôn có diện tích chè lớn, tuy nhiên do hầu hết các hộ dân vẫn sản xuất và chế biến chè theo phương thức thủ công, do vậy năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, ít hộ mở rộng quy mô sản xuất do thiếu vốn đầu tư.
Từ mong muốn mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo của các hộ dân, Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với chính quyền xã tiến hành thành lập nhóm CIG sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất.
Nhóm có 10 thành viên, 40 khẩu; trong đó có 5 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Các thành viên đều có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ trung bình trên 20 năm tuổi với tổng diện tích chè của cả nhóm 15,6 ha. Nhóm đã xây dựng tiểu dự án sản xuất, kinh doanh với tổng chi phí 448 triệu đồng, trong đó xin tài trợ từ Chương trình CPRP 110 triệu đồng, các thành viên đóng góp tiền mặt và hiện vật 338 triệu đồng.
Sau khi được hỗ trợ vốn sản xuất từ Chương trình CPRP, Ban Quản lý Nhóm đứng ra liên hệ mua giống chè Shan tuyết trồng dặm vào những diện tích mất khoảnh, mua phân bón hữu cơ từ các hộ để cải tạo diện tích chè của nhóm, mua chung hệ thống chế biến chè để sản xuất, chế biến chè thành phẩm. Khi đến thời gian thu hái và chế biến chè, Ban Quản lý Nhóm có trách nhiệm liên hệ với đại lý thu mua, tìm thị trường tiêu thụ để bán sản phẩm cho các thành viên. Nhóm thành lập quỹ cho vay quay vòng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình, các thành viên vay theo đợt, thời gian 1 năm.
Anh Chú Văn Thanh, Trưởng nhóm CIG sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất cho biết: Từ đầu năm đến nay, các thành viên trong nhóm đã thu hoạch 3 vụ chè được gần 30 tấn chè búp tươi, các sản phẩm chè sau chế biến đa dạng và phong phú về chủng loại như chè xanh, chè đen, chè vàng, chè sấy, mỗi loại có giá bán khác nhau. Bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng.
Chị Min Thị Sáng, thành viên nhóm CIG chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 1 ha chè Shan tuyết. Trước đây thì mạnh nhà ai nấy làm, đầu ra cũng không ổn định, khi thu hoạch, chế biến được nhiều chè thì giá cả lại xuống thấp do vậy giá trị kinh tế chưa cao. Bây giờ thành lập nhóm, các thành viên cùng giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, Ban Quản lý nhóm chủ động tìm thị trường để bán chung sản phẩm cho các thành viên, chè thành phẩm chế biến ra bao nhiêu đều được thu mua hết với giá cả ổn định. Do vậy, các hộ thành viên ai nấy đều phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất.
Việc thành lập Nhóm CIG sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi tư duy sản xuất, hình thức canh tác, chế biến chè của người dân; từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Hoàng Tôn – Phương Nguyễn